Hòa Thượng Thích Thanh Từ giảng
Trước khi vào mùa an cư tôi có một số điều nhắc nhở chư Tăng Ni. Mỗi năm chúng ta đều có ba tháng an cư, đó là thời gian dành để tinh chuyên tu hành. Tuy rằng quanh năm không ngày nào chúng ta không tu, nhưng muốn cho sức tu được mạnh thì ba tháng an cư là cơ hội rất tốt để Tăng Ni nỗ lực tinh tấn hơn. Vì vậy đây là thời gian tu quyết liệt hơn hết cho nên chư Tăng Ni không được đi đâu xa ngoài phạm vi của mình, phải đem hết khả năng tu hành cho trí tuệ sớm sáng tỏ.
Ba tháng an cư là một cơ hội để vươn lên vì vậy mong chư Tăng chư Ni chuẩn bị vào mùa an cư phải buông bớt các công tác bên ngoài, dồn hết tâm lực cho sự tu tập, tinh tấn nỗ lực không lui sụt, không lơ là. Trước khi nhập hạ quý vị cũng ráng gìn giữ sức khỏe cho tốt, nếu có yếu bệnh lo thuốc men cho khỏe để vô an cư không còn bệnh lê thê rất khó tu. Khéo léo làm sao trong ba tháng được thanh tịnh, xứng đáng thêm một tuổi hạ, thêm một tuổi công đức, không hổ thẹn chút nào hết.
Chúng ta xuất gia rồi nghĩa là không còn bận bịu với việc thế tục, với người thân hay tài sản thế gian. Chúng ta có phước duyên đi trên con đường cầu giải thoát sanh tử, dù chưa giải thoát trọn vẹn thì cũng giải thoát phần nào. Vô chùa cạo tóc, mặc áo nhuộm, ăn chay đó là hình thức một cuộc sống đạm bạc. Tính đạm bạc đó tạo duyên lành cho chúng ta tu không có trở ngại. Với chí nguyện cầu giải thoát sanh tử đòi hỏi chúng ta phải có tâm cương quyết sắt đá chứ không thể lôi thôi, gặp duyên thì tiến tới thiếu duyên thì lui sụt, đó là điều không tốt của người thiếu ý chí xuất trần.
Chúng ta tu là cầu thoát khỏi luân hồi sanh tử thì việc quan trọng là phải dừng niệm hay vô niệm, nghĩa là làm sao cho tâm được định, không loạn động. Đó là gốc của sự tu. Muốn cho niệm dừng thì phải làm gì? Ngồi thiền là một phương tiện giữ cho tâm yên lặng, nhưng nhiều khi ngồi cũng không lặng được là vì lâu nay chúng ta có thói quen lúc nào cũng nghĩ thế này thế kia, những thứ không cần thiết cũng nghĩ. Muốn dứt niệm thì ngoài giờ ngồi thiền, đi đâu làm gì cũng nhớ làm chủ mình, đừng để vọng tưởng kéo lôi. Được như vậy lâu dần mới thuần thục, mới thấy sự hiệu nghiệm và giá trị của việc tu hành. Nếu cứ thả lỏng hoài thì e rằng chúng ta tu suốt đời mà kết quả không bao nhiêu.
Chúng ta phải tỉnh biết trên đường tu điều gì làm trở ngại để vượt qua, điều gì làm nên thành công để vươn tới, như vậy tu mới có kết quả. Thực ra có những điều chúng ta thấy là thường nhưng lại rất khó. Giả tỷ như khởi nghĩ hay không khởi nghĩ là quyền của mình, nhưng sao khởi lên được mà dừng không được. Như vậy mình làm chủ nó hay nó làm chủ mình? Nó làm chủ mình. Niệm đang dấy khởi hay đang tạo tác mà dừng được thì mới có thể ra khỏi sanh tử. Những điều cần nghĩ thì nghĩ, không cần nghĩ thì phải bỏ. Chừng nào làm chủ được như vậy mới không bị đi trong lục đạo luân hồi. Cho nên đã nguyện ra khỏi sanh tử thì phải quyết làm cho được.
Tôi rất mong Tăng Ni ráng tu tập để trong thời gian mấy tiếng ngồi thiền chúng ta nắm cho được một phần ba, một phần tư thời gian lặng lẽ thanh tịnh. Quý vị đừng nên bi quan bởi khi chúng ta có tâm cương quyết không để cho các thứ loạn tưởng chi phối, thực sự cố gắng thì một ngày nào đó sẽ được kết quả tốt. Các vị Tổ ngày xưa đi đứng nằm ngồi đều sống trong thanh tịnh, còn chúng ta bây giờ chỉ cần trong giờ ngồi thiền được thanh tịnh cũng tốt lắm rồi.
Vọng tưởng loạn tâm là thói quen chung của con người chứ không của riêng ai. Điều này có thể vượt qua được chứ không phải không thể. Có hai trường hợp khiến chúng ta khởi niệm lăng xăng. Thứ nhất là chưa được miên mật trong lúc ngồi, thứ hai là khi ở ngoài chúng ta thả lỏng nên tới giờ ngồi thiền khó mà yên được. Nhất là những người ban ngày hay nói chuyện nhiều thì tới giờ ngồi thiền chuyện này chuyện kia hiện lên hoài. Cho nên người tu thiền phải tỉnh táo cảnh giác hơn.
Đó là những điều tôi thấy và nhắc nhở chư Tăng Ni, phải khéo tập sao cho có thái độ dứt khoát, làm cái gì ra cái nấy, không nên để cái này lấn át qua cái khác, đó là điều không hay. Tập được như vậy rồi thì sự tu hành không bị trở ngại, nếu không thì dễ thối thất lắm. Tôi muốn nhắc cho tất cả biết rằng không có cái gì mình tập không được. Người xưa làm được thì chúng ta bây giờ cũng có thể làm được. Nhớ như vậy thì cố gắng tập, cố gắng tu để ngoại cảnh bên ngoài không làm chướng ngại mình.
Nguyện giải thoát sanh tử, cứu độ chúng sanh không phải là chuyện dễ dàng, vì vậy chúng ta phải cố gắng tu cho đến nơi đến chốn. Nếu không cố gắng, đường dài nguy hiểm, mình cứ chần chừ đi một chút than mỏi mệt rồi nghỉ, cứ như vậy không biết đến bao giờ mới đạt tới đích. Tôi thường gần Tăng Ni nên biết nhiều người cũng quyết tâm lắm, cố gắng lắm nhưng chưa ai vượt khỏi trục trặc trên đường tu. Có những người rất ham tu nhưng khó khăn một chút thì chịu không nổi hoặc gặp chướng ngại không thoát ra được, do đó kết quả thực là ít ỏi. Tu với mục đích đem đến lợi ích cho mình và nhiều người thì ngay từ buổi ban sơ phải gan dạ chứ không được lôi thôi.
Người xuất gia vào đạo đều mong được giải thoát sanh tử, đó là nguyện vọng quá cao siêu, đáng mến đáng phục. Nếu chỉ nguyện mà làm không được thì gọi là nguyện suông không có giá trị. Đã là một việc làm cao quý thì thực hành cũng phải hướng tâm đi lên mới có thể thành tựu được. Nếu không, nguyện thì to mà tâm thì nhỏ, vì bị vô minh phiền não che lấp, e rằng nguyện đó sẽ chẳng tới đâu hết.
Đức Phật dạy thân này là vô thường, khổ, không, duyên hợp hư giả… Mình là đệ tử Phật lại cho thân này là thiệt tức vẫn còn đeo bám vô minh. Như vậy Phật dạy một đằng, mình làm một ngả. Đó không phải là đệ tử trung thành. Phật dạy điều gì chúng ta thực hiện theo đúng như thế mới gọi là trung thành. Ai ai cũng phải cố gắng điều chỉnh lại mình để những gì mình nói được, học được thì cũng phải thực hành được, đó là thành công. Nếu những lời Phật dạy chúng ta khen hay mà hành không được, đó là thất bại.
Cho nên hiểu Phật pháp càng sâu thì sự tu hành càng vững vàng, nghiêm ngặt, có thế khả dĩ mới ra khỏi sanh tử. Người hiểu nhiều mà hành quá ít thì mãi luẩn quẩn từ trói buộc này sang trói buộc khác. Tôi khuyên tất cả nên nhớ giữ gìn điều gì mình đã nguyện, đã hứa thì phải nhớ và hành cho trọn vẹn. Không hứa thì thôi, hứa thì phải làm cho được. Làm được rồi tự nhiên không mong cầu, chúng ta vẫn ra khỏi tất cả phiền lụy thế gian. Làm không được thì sẽ kẹt mãi trong ngôi nhà phiền não.
Đó là những điều thiết yếu tôi muốn nhắc cho Tăng Ni nhớ mà tu. Đã là người xuất gia mà bất chợt ai nói nặng một câu liền nổi giận đỏ mặt, như vậy là chưa thắng được tam độc. Tam độc chưa thắng được thì những cái khác làm sao thắng nổi. Cho nên lúc nào cũng phải nhớ tam độc là kẻ thù của mình, không cho nó bén mảng tới nhà. Không dè dặt ngăn phòng tam độc, ai động tới cũng nổi nóng, cũng la lối om sòm thì có khác hơn người thế tục bao nhiêu.
Những điều tôi nhắc quý vị ráng nhớ, tu không phải một sớm một chiều, thậm chí cả một đời cũng chưa tiêu hết nghiệp xấu dở của mình. Chúng ta đừng trông mong những gì cao siêu mà chỉ cần thấy rõ nội tâm của mình có bớt những dở xấu hay không. Lúc nào cũng xoay lại mình để thấy rõ nội tâm, thấy rõ cái hay cái dở để cố gắng khắc phục, đừng thấy cái hay cái dở của kẻ khác mà quên mình. Chúng ta sống trong chúng dường như thấy lỗi người khác nhiều hơn lỗi mình. Đó là một khuyết điểm lớn. Người biết tu luôn luôn thấy lỗi mình mà không để ý lỗi người. Điều này coi bộ khó thực hành phải không? Nếu thực tu thì thấy lỗi mình mới tu được, còn thấy lỗi người dễ sanh bực bội nóng nảy. Cứ kể lỗi huynh đệ, còn mình chẳng động tới, như vậy không hay không tốt. Chúng ta phải thực sự nhìn lại mình. Khi được người khác chỉ lỗi thành thật sám hối là người can đảm, xứng đáng được kính trọng. Người không biết lỗi mình không biết sám hối là người yếu đuối, khó tu tiến.
Chúng ta ai cũng có ý chí tu hành nên mới cạo tóc ở chùa, ăn chay trường, tụng kinh, tọa thiền cầu sớm được giác ngộ. Muốn thế ban đầu phải tập tu từ những việc nhỏ, thực tế một chút, đừng nghĩ tới chuyện quá xa xôi. Ngày nay huynh đệ làm điều đó xúc não mình, nhưng thôi tha thứ đừng buồn đừng giận. Tu hành phải bỏ qua, đừng cố chấp rồi phiền não giận hờn, sanh ra rối rắm trong chúng. Đó là phương hướng để chúng ta tu cho có kết quả tốt.
Đức Phật thường dạy, mỗi ngày chúng ta sống là nhờ công ơn của đàn-na thí chủ giúp đỡ. Chúng ta không làm ra tiền, không làm ra cơm, không làm ra vải mà chúng ta có ăn, có mặc đầy đủ ấm áp, đó là công của đàn-na thí chủ chứ không phải công của mình. Mình phải lo tu để đền đáp công ơn đó cho nên mỗi người phải cố gắng làm sao tâm mình càng ngày càng giảm phiền não, càng ngày càng thanh tịnh, đó mới thực là tu.
Người thế gian qua một năm vui mừng vì được thêm một tuổi, còn chúng ta sống trong đạo thì thấy càng gần cửa tử hơn. Vì thế cần phải tiến nhanh trên con đường tu hành, trong các Phật sự làm lợi ích cho mình cho người. Người biết tu hiểu đạo lý thấy càng già càng lớn tuổi, bổn phận càng nặng hơn. Bởi vì người đi sau lúc nào cũng nhìn về phía trước. Nếu người đi trước sẩy chân vấp té thì người đi sau rất buồn. Cho nên người đi trước vừa có trách nhiệm dẫn đường, vừa có trách nhiệm làm gương cho người đi sau khỏi lầm khỏi vấp. Mang một trọng trách nặng như vậy nên khi còn khỏe mạnh phải dạy dỗ giáo hóa Tăng Ni, Phật tử hiểu giáo lý Phật dạy cho đúng, lúc sắp ra đi phải làm sao cho họ thấy mừng vui, mới xứng đáng là mẫu mực cho người sau. Đó là một trách nhiệm rất nặng.
Mong rằng tất cả chư Tăng chư Ni ý thức được mục đích mình đã chọn, luôn tỉnh giác nỗ lực, xứng đáng một người tu sĩ xuất gia chân chánh. Cố gắng tu đến nơi đến chốn, không được lừng chừng yếu đuối, làm mất đi bản nguyện xuất trần của mình.