Sống ở đời, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù khôn hay dại, dù tốt hay xấu, ai ai cũng muốn được sống sung sướng hạnh phúc. Quả thì ai cũng muốn được tốt đẹp nhưng mà nhân thì chúng ta không chịu gieo. Hoặc đã gieo nhân ác mà cứ muốn quả lành trái ngọt, thật là vô lý.
Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc mãi mà không thấy, chỉ thấy toàn phiền muộn khổ đau. Khổ quá chúng ta bèn tìm đến các chùa, tìm người cầu chỉ dạy. Ðạo Phật dạy gì cho chúng ta? Trước tiên dạy luật nhân quả, để chúng ta biết làm lành hướng phước tốt đẹp và tránh xa nhân xấu ác làm tổn hại người khác, vì gieo nhân nào thì gặt quả nấy.
Ta đau khổ trong tình cảm vì bị người yêu ruồng bỏ, ta đâu biết rằng trong nhiều kiếp trước mình đã phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác, nên bây giờ ta phải chịu hậu quả đau thương.
Nguyên nhân đưa đến khổ đau, không phải do hoàn cảnh, không phải do người khác, mà chính tự nơi mình đã gây ra. Vì mải chạy theo vật chất, tham đắm sắc dục, chúng ta lãng quên tâm linh sáng suốt, không tin nhân quả, không học cách sống để thương yêu, bằng trái tim hiểu biết.
Do đó mà ta phải chìm nổi lênh đênh trong biển khổ sông mê không có ngày thôi dứt, bây giờ có duyên được học lại bài học nhân quả, là ta phải biêt thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Có nhiều bậc cha mẹ thương con nhưng không biết cách chỉ dạy con cái, nuông chiều chúng muốn gì được nấy làm cho nó thêm lười biếng và ỷ lại. Cha mẹ đưa con đến trường rồi phó mặc cho thầy cô giáo hướng dẫn dạy dỗ. Nhưng trường học thời đại bây giờ, người ta chỉ dạy cho có bằng cấp, có nghề trong tay để ra đi làm ăn kiếm sống nuôi gia đình.
Nhân quả trong Đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Nếu chúng ta không tin nhân quả, ta sẽ sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ biết tham lam ích kỷ để làm tổn thương người khác.
Khi đau răng, chúng ta mới hiểu được nỗi khổ của những kẻ đau răng. Có nhiều người rất mạnh khỏe, chưa bao giờ bị bệnh nên thấy người khác bệnh thì cho rằng người này dỡ nên khinh thường.
Nhân quả nghiệp báo tốt xấu sẽ đến sớm hay muộn là tùy theo duyên, bây giờ ta chưa đau bệnh, nhưng sau này sẽ bệnh rồi ta cảm nhận sự thống khổ của nó mà có thể cảm thông người đã bệnh. Khi hiểu được như vậy chúng ta sẽ thương mình và người khác, nhờ đó nghiệp khổ ngày càng được giảm bớt và tiêu trừ. Nếu chúng ta không hiểu như thế mà cứ đi chùa để cầu khẩn van xin, mong Phật, Bồ tát gia hộ cho mau hết bệnh là người chưa có niềm tin sâu sắc về nhân quả.
Con người có hai phần: thể xác và tinh thần. Do đó chúng ta phải biết quay lại chính mình mà sống với tâm Phật sáng suốt, thì mọi bệnh khổ sẽ được tiêu trừ. Sự diễn biến từ nhân đến quả cũng không nhất định, có thể báo ứng liền trong hiện tại hoặc xảy ra sau một thời gian, khi làm ác chúng ta có thể qua mặt được luật pháp. Nhưng luật nhân quả sẽ không chừa bất cứ một ai, khi nhân duyên chín mùi.
Chúng ta chỉ cần quan sát trong hiện tại, sẽ biết rõ ràng quả báo trước mắt của những việc làm ác như: trộm cướp, lường gạt, nói lời dối gạt, cờ bạc, hút chích, đàn điếm, lừa tình, trù dập, hãm hại, buôn lậu, móc ngoặc hối lộ, tham ô chèn ép người quá đáng…..dẫn đến bị bắt, bị truy tố, bị giam cầm tù tội cho đến tử hình.
Chính vì thế, người Phật tử chân chính phải tin sâu nhân quả nên luôn sợ hãi với quả báo xấu xa, quyết không làm điều gì làm tổn thương đến người khác, tránh xa tội lỗi. Người đã có đủ tín tâm về niềm tin nhân quả, sẽ ý thức mà không làm các việc xấu ác, bởi nhân trộm cướp lường gạt của người dẫn đến quả báo hiện tại chịu tù tội, và tương lai chịu thiếu thốn, nghèo hèn.
Chúng ta hãy sợ hãi quả báo xấu trong đời này để biết cách tránh xa những điều tội lỗi, hay làm các việc thiện ích vì tình người trong cuộc sống. Một người sống tốt không làm tổn hại ai, một gia đình hoàn thiện về nhân cách đạo đức thì xã hội sẽ phát triển ổn định một cách bền vững và lâu lài, nhờ ai cũng tin sâu vào nhân quả nghiệp báo.