Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Ngày nào giới luật còn nghiêm minh, ngày ấy vẫn còn vững chãi, nguyên vẹn lòng kính trọng của giới cư sĩ và tất cả chúng sanh đến các vị. Ngày ấy Tăng Đoàn hưng thịnh.

Chiếc hộp bí ẩn đựng hài cốt hỏa táng của Đức Phật

Đấng Toàn Giác biết đã đến lúc sắp kết thúc kiếp sống này của Ngài. Nhưng trước khi nhập diệt, Đức Phật muốn ban đến các vị đệ tử tỳ kheo những lời dạy cuối cùng để làm phương hướng cho các vị tu tập sau khi Ngài qua đời, không còn trực tiếp hướng dẫn họ nữa. Ngài truyền cho Đại Đức Ānanda tập họp Chư Tăng ở giảng đường tu viện Rājagaha. Khi Chư Tăng tề tựu đông đủ, Ngài dạy như sau:

“Này chư tỳ kheo, ngày nào các vị còn giữ đoàn kết và thường xuyên hội họp để học hỏi với nhau, ngày ấy Tăng Đoàn còn tiếp tục phát triển và hưng thịnh.

Ngày nào các vị còn giữ sự thống nhất và hòa thuận khi tụ hội với nhau hay khi cùng thảo luận những quyết định quan trọng, ngày nào các vị còn triệt để tôn trọng và tuân thủ những giới luật mà Như Lai đã ban hành để giúp đỡ và bảo vệ các vị, không bày thêm những giới luật mới khó khăn và áp đặt, ngày ấy Tăng Đoàn không bị suy thoái và hủy diệt.

Luôn tôn kính và lắng nghe những lời hướng dẫn và khuyên bảo của các bậc trưởng thượng trong Tăng Đoàn. Luôn giữ chánh niệm để có thể quan sát được bất cứ ác pháp nào vừa khởi lên trong tâm và nhờ vậy không trở thành nô lệ của chúng trước khi thức tỉnh muộn màng. Đừng tìm cầu nơi bè bạn phiếm rỗi, hãy tìm cầu nơi cô độc vắng lặng.

Ý nghĩa thâm sâu từ tư thế ngủ của Đức Phật

“Khi Chư Tăng từ nơi khác đến viếng thăm, hãy tỏ lòng quý mến, tiếp đãi ân cần. Khi một trong các bạn đồng tu lâm bệnh, hãy tận tâm phục vụ chăm sóc. Phục vụ chăm sóc cho một huynh đệ đau yếu, cũng là đang phục vụ chăm sóc cho Như Lai vậy.

“Đừng kiêu căng tự mãn. Hãy thân cận bậc thiện trí; xa lánh kẻ xấu ác. Thường xuyên quán niệm thực tánh của vạn pháp, thấu hiểu được đặc tướng vô thường, đau khổ và vô ngã của chúng.

“Ngày nào giới luật còn nghiêm minh, ngày ấy vẫn còn vững chãi, nguyên vẹn lòng kính trọng của giới cư sĩ và tất cả chúng sanh đến các vị. Ngày ấy Tăng Đoàn hưng thịnh. Ngày ấy các vị sẽ được gìn giữ khỏi vòng sa đọa, thấp hèn và tội lỗi, các vị sẽ được bảo vệ khỏi tất cả những gì bất tịnh, bất xứng với cuộc sống của một người đã thoát vòng tục lụy để sống đời phạm hạnh.”

Đây là pháp thoại cuối cùng Đức Phật đã di huấn cho toàn thể đại chúng tỳ kheo.

Sau đó Đức Thế Tôn đi đến thành phố Nalanda, rồi thành phố Pātāligāma, nơi đây Ngài ban bài pháp cuối cho hàng cư sĩ.

“Này chư thiện tín, bất cứ ai không giữ ngũ giới mà Như Lai đã ban dạy cho hàng cư sĩ, hoặc bất cẩn hay chểnh mảng không tuân hành, người đó sẽ đánh mất thanh danh trong xã hội, sự sung túc và phúc lạc của người đó phát triển chậm dần, rồi cuối cùng hao mòn và tàn hoại. Người sẽ đánh mất đức tin, chánh niệm, bị dày vò trong tâm những nỗi bất hạnh, lúc lìa đời sẽ bị nghiệp dẫn vào cõi đau khổ khốn cùng.

“Còn những ai biết trung kiên giữ gìn ngũ giới, không bất cẩn chểnh mảng, sẽ được thọ hưởng địa vị cao cả và thanh danh trong xã hội, thọ hưởng sức khỏe, thọ hưởng sự giàu sang và phát đạt. Đi đến đâu họ cũng được kính nể. Họ sẽ được tiếp đón trọng thể, ngay cả trước sự góp mặt của những vĩ nhân, của hàng vương giả, hay của các bậc hiền nhân, thông thái và trí tuệ. Tâm họ trong sạch không chút nghi ngại bất an, và sau khi chết họ sẽ đi vào những cõi hạnh phúc.”

Bức thông điệp từ con người của Đức Phật

Đức Phật bây giờ đã già yếu. Ngài được tám mươi tuổi rồi. Gần bốn mươi lăm năm Ngài đã bộ hành khắp nơi trên xứ Ấn – quê hương của Ngài – thuyết pháp và giáo hóa không lúc nào ngừng nghỉ, chỉ ngoại trừ mùa mưa hằng năm là mùa an cư. Ngài bắt đầu cảm nhận những chất chồng của tháng năm trên châu thân. Thân Ngài mệt mỏi yếu mòn, dù tâm Ngài lúc nào cũng vẫn minh mẫn hùng lực. Đức Phật biết mình không còn sống bao lâu nữa. Ngài nhớ đến Bắc phận, những dãi đất nằm yên bình dưới chân núi tuyết, nơi Ngài đã sống những ngày thơ ấu. Đó là nơi Ngài muốn từ giã kiếp sống mà Ngài đã phụng sự cống hiến hết lòng bao nhiêu năm qua. Rời Rājagaha, Đức Thế Tôn quay những bước chân yếu ớt đi về hướng Bắc, dự định đến thị trấn nhỏ Kusinārā, ở nơi đây chờ ngày viên tịch.

Trên đường, Đức Phật đi ngang thành phố Patna, rồi tiếp tục hành trình qua Vesāli – một đô thị giàu sang nơi có một lần Ngài hóa độ cho người kỹ nữ thuần thành Ambapālī. Tịnh xá ven đô mà nàng thành tâm cúng dường lên Đức Phật và Chư Tăng đã từng một thời làm các vương tử trẻ ở đây khó chịu, vì họ muốn được là người có vinh dự và công đức đó thay vì một nàng kỹ nữ.

Khi Đức Phật đến ngôi làng nhỏ Beluva, Ngài truyền tất cả các tỳ kheo đã theo Ngài suốt cuộc hành trình đăng đẳng – trừ Đại Đức Ānanda, người thị giả trung thành ngày đêm quanh quẩn bên Ngài – rằng tốt hơn thì các vị nên chọn một nơi khác thích ứng hơn để an cư, vì làng Beluva đất nhỏ dân thưa, không đủ thực phẩm độ nhật qua mùa mưa. Nghe lời Đức Thế Tôn dạy, một số lớn các vị khất sĩ quay trở lại đô thị Vesāli để nhập hạ.

Đức Phật dạy thế nào là người đàn ông lý tưởng?

Trong lúc đó, Đức Phật quyết định ở lại làng Beluva trong mùa nhập hạ an cư cuối cùng của Ngài. Nhưng không bao lâu thì Ngài lâm trọng bệnh, thân thể đau đớn tột cùng. Bệnh tình và những cơn đau ngày càng trầm trọng khiến Đại Đức Ānanda bắt đầu lo sợ rằng Đức Thế Tôn sắp nhập diệt. Nhưng Đức Phật không muốn viên tịch ở Beluva. Ngài không muốn ra đi cho đến khi Ngài gặp lại Tăng chúng của Ngài một lần nữa, khích lệ và củng cố tinh thần cho chư vị vững tiến trên đường đạo. Và vì vậy, với ý chí dũng mãnh kiên quyết, Ngài vượt qua cơn bệnh thập tử nhất sinh.

Ngày nọ, sau khi hồi phục, Đức Thế Tôn ra ngoài hứng nắng mặt trời ấm áp. Ngài ngồi trên một mảnh chiếu Đại Đức Ānanda đã trải sẵn cho Ngài dưới bóng râm của căn nhà nhỏ Ngài an cư bấy lâu. Đại Đức ngồi xuống cạnh bên Ngài và nói:

“Con thực là vui mừng thấy Thế Tôn bình phục. Hôm bệnh Thế Tôn trở nặng, con lo sợ đến choáng váng, suýt ngất đi. Nhưng rồi con tự nghĩ: Không, chắc chắn Thế Tôn sẽ không nhập Niết Bàn cho đến khi Ngài lập cương lĩnh đầy đủ chi tiết về tương lai và phương hướng của Tăng Đoàn sau khi Ngài nhập diệt.”

“Này Ānanda,” Đức Phật nói, “các tỳ kheo còn muốn hỏi Như Lai điều gì nữa? Chánh Pháp đã được Như Lai giảng dạy tận tường. Như Lai không hề dấu diếm các vị bất cứ một điều gì các vị cần biết để giải thoát khổ đau, đạt được quả vị Niết Bàn.

“Một người muốn thống trị Tăng Đoàn có lẽ sẽ để lại cách thức lãnh đạo tương lai. Nhưng này Ānanda, Như Lai không hề muốn thống trị Tăng Đoàn. Vậy thì Như Lai để lại cương lĩnh gì đây?

“Như Lai đã già yếu đã cuối cuộc đời, tám mươi tuổi rồi. Như Lai chỉ còn một điều duy nhất muốn nói với tất cả. Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình! Hãy nương tựa nơi chính mình! Đừng tìm cầu một ánh sáng hay chỗ nương tựa nào khác.

“Khi Như Lai đã đi rồi, này Ānanda, bất cứ ai biết tự mình là ánh sáng, là nơi nương tựa của mình, không tìm cầu nơi khác; bất cứ ai biết lấy Chánh Pháp làm ngọn đèn soi, làm nơi nương tựa, người đệ tử ấy, bây giờ và mãi mãi, mới là người đệ tử thật sự của Như Lai, không bao giờ lầm đường lạc lối.”

Người con đức Phật

Sáng hôm sau Đức Phật thấy thật khỏe khoắn và bình phục, Ngài đến Vesāli khất thực như thường lệ. Chiều hôm ấy Ngài truyền Đại Đức Ānanda triệu tập các vị tỳ kheo đang an cư ở Vesāli để Ngài có thể nói chuyện với tất cả một lần nữa.

Khi chư tăng hiện diện đông đủ, Ngài gởi lời khuyên nhủ cuối cùng để giã từ nồng nhiệt khích lệ các tỳ kheo hãy trung kiên dũng mãnh đi theo con đường Ngài đã dạy. Được như vậy, bằng hình ảnh cao thượng, toàn hảo và trong sạch làm tấm gương sáng cho muôn loài, các vị sẽ đem lại lợi lạc, hạnh phúc và thịnh vượng cho tất cả chúng sanh.

“Vạn pháp đều vô thường, có sanh sẽ có diệt.” Đức phật nói. “Cố gắng lên! Hãy tinh tấn nỗ lực theo Chánh Đạo mà đi! Hãy giữ chánh niệm để giải thoát khỏi ác pháp và sanh tử luân hồi.”

Sáng hôm sau Đức Phật tiếp tục hành trình, hướng về Kusinārā. Trên đường đi, khi ngang qua ngôi làng nhỏ Pava, Ngài được cư sĩ Cunda – con trai của một người thợ rèn – cúng dường một bữa cơm nấu với một món nấm đặc biệt (nấm sukaramaddavaṃ).

Sau bữa ăn, Đức Phật nói Ngài thấy khỏe nhiều. Ngài cám ơn Cunda đã dâng Ngài một bữa ăn lợi lạc, công đức ấy sẽ đem lại cho Cunda phước báu hiện tiền và tương lai.

Chẳng lành, không bao lâu sau bữa ăn, cơn bệnh cũ ở Beluva của Đức Phật tái phát. Nhưng một lần nữa, với ý chí dũng mãnh, Đức Phật vượt qua cơn đau. Sức khỏe mong manh, Ngài vẫn cố gắng lên đường, đi về hướng Kusinārā. Sau chuyến bộ hành với những cơn đau hành hạ dữ dội, cuối cùng Ngài đến được rừng cây sal ở ngoại thành.

“Ānanda,” Đức Phật nói khi Ngài nhìn thấy rừng sal và biết cuộc lữ hành đến đây là chấm dứt, “hãy sửa soạn cho Như Lai một chỗ nằm giữa hai cây sal lớn. Như Lai rất mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi.”

Đại Đức Ānanda lấy một tấm y của Đức Phật xếp làm tư, trải xuống mảnh đất giữa hai cây sal lớn, để Thầy có thể nằm hướng đầu về phía bắc. Đức Phật ngả lưng xuống chỗ nằm Đại Đức đã dọn, không để ngủ mà chỉ để thân thể đau yếu rã rời của Ngài được nghỉ ngơi, trong lúc minh tâm của Ngài lúc nào cũng vậy, vẫn an định tĩnh lặng như bao giờ.

Đức Phật có để tóc hay không?

Ngài đã từng nói với Đại Đức Sāriputta trong những ngày Ngài còn khỏe mạnh tráng kiện, rằng nếu Ngài còn sống cho đến lúc già yếu đến không còn đi bộ được nữa mà phải khiêng võng Ngài, ngày ấy Ngài vẫn có thể minh bạch tận tường giảng giải Chánh Pháp, và vẫn có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào – từ cả những vị thông thái trí tuệ nhất – miễn là họ có thể tỉnh thức đặt câu hỏi cho Ngài! Tâm Ngài không bao giờ mỏi mệt.

Lúc bấy giờ, khi thấy vị thầy yêu kính của mình thật sự sắp sửa ra đi, Đại Đức Ānanda đau đớn tột cùng. Không chịu đựng nổi, Người lén đi đến một tịnh cốc gần đó, trốn sau cánh cửa. Người không dằn được nước mắt, khóc nói với chính mình: “Ta không được như các tỳ kheo khác. Ta vẫn chưa chứng đắc được quả vị A La Hán mà nay Đức Bổn Sư đã đến phút lâm chung bỏ ta đi. Thầy lúc nào cũng hết lòng thương yêu dạy dỗ ta.”

Khi Đức Phật mở mắt Ngài không thấy Đại Đức Ānanda như thường lệ, Ngài hỏi các vị tỳ kheo quanh Ngài: “Ānanda ở đâu rồi?”

“Bạch Đức Thế Tôn,” một vị trả lời, “Đại Đức Ānanda đã vào tịnh cốc và đang đứng khóc sau cửa, Đại Đức nói mình chưa thành tựu đạo quả mà nay đã sắp mất đi vị thầy từ mẫn của mình.”

“Hãy đi gọi Ānanda lại đây cho Như Lai nói chuyện,” Đức Phật nói. Nghe Đức Thế Tôn gọi, Đại Đức Ānanda đến ngồi xuống bên Ngài. Đức Phật nói với Đại Đức: “Đủ rồi, Ānanda. Đừng khóc, đừng đau lòng nữa! Không phải Như Lai đã bao nhiêu lần dạy rằng, rồi có một ngày chúng ta sẽ phải chịu sự ngăn cách, biệt ly, tách rời tất cả những gì ta yêu mến vô cùng? Ngày ấy là đây, Ānanda. Không tránh được. Có sanh có diệt. Có hợp có tan. Bấy lâu nay, Ānanda, con đã hết lòng phụng sự săn sóc cho Như Lai, với tất cả lòng thương yêu, trung kiên và hoan hỷ. Nay đến lúc con phải tinh tấn nỗ lực dẹp tan tất cả những gì ngăn cản con chứng đạt quả vị A La Hán, Như Lai biết con sẽ làm được, trong một thời gian ngắn mà thôi!”

Đoạn Đức Phật nói với các tỳ kheo khác quanh Ngài:

“Tất cả các vị Phật quá khứ đều có một đệ tử thị giả thật tốt như Như Lai có Ānanda. Tất cả các vị Phật tương lai cũng như vậy. Ānanda là một thị giả thông minh và trung thành. Ānanda biết cách sắp xếp thích hợp cho từng vị khách đến thăm viếng Như Lai. Lúc nào Ānanda cũng cư xử tế nhị, nói năng hòa ái với họ khiến họ cảm kích hoan hỷ. Ānanda quả là một người học trò và một thị giả xuất sắc của Như Lai.”

Năm phận sự của Đức Phật

Đại Đức Ānanda bạch Phật:

“Con thỉnh cầu Thế Tôn, xin Thế Tôn đừng nhập Niết Bàn ở thị trấn nhỏ bé đèo heo, tường bùn vách đất này. Có những thành phố lớn như Rājagaha, Sāvatthi hay Vesāli xứng đáng hơn để Thế Tôn nhập diệt. Những nơi ấy đông đảo đệ tử tín đồ, có nhiều điều kiện vật chất để cử hành đại tang cho Đức Thế Tôn.”

 “Này Ānanda,” Đức Phật nói, “đừng nói như vậy. Đã có một thời Kusinārā từng là một khu phố sầm uất hưng thịnh, kinh đô của một vị vua vĩ đại.”

“Thôi, Ānanda, hãy thông báo cho các vị trưởng thượng và dân chúng Kusinārā biết rằng đêm nay, vào canh cuối, Như Lai sẽ nhập Niết Bàn.”

Đại Đức Ānanda và một vị tăng khác, vâng lời Đức Phật dạy, vào Kusinārā thông báo với các vị trưởng thượng rằng Đức Phật sẽ nhập diệt đêm nay. Được tin, toàn thể dân chúng Kusinārā, trong đau buồn và tiếc nuối, theo nhau đến rừng sal để đảnh lễ và viếng thăm Ngài lần cuối.

Lúc bấy giờ có một vị du sĩ ngoại đạo là Subhadda ở gần đó, biết tin Đức Phật sắp viên tịch, ông muốn đến viếng Ngài lập tức và nhờ Ngài giải thích cho ông một nan đề.

Khi Subhadda xin Đại Đức Ānanda cho ông hầu chuyện cùng Đức Phật trước khi Ngài ra đi. Đại Đức từ chối:

“Thôi đủ rồi Subhadda. Đức Thế Tôn rất mệt. Xin đừng làm phiền Ngài nữa!”

Subhadda vẫn nài nỉ.

Đức Phật nghe loáng thoáng những lời trao đổi giữa Đại Đức Ānanda và Subhadda. Ngài gọi Ānanda đến và nói:

“Ānanda, hãy để Subhadda đến gặp Như Lai. Những gì ông ấy muốn hỏi là để học hỏi ở Như Lai chứ không để làm rộn Như Lai. Ông ấy rất thông minh và đầy đủ căn cơ để lãnh hội được những gì Như Lai nói với ông.”

Lúc ấy Đại Đức Ānanda mới cho phép Subhadda gặp Đức Phật. Thành kính đảnh lễ Đức Phật xong, Subhadda hỏi:

“Thưa Tôn Giả Cồ Đàm, những vị lãnh đạo lừng danh của các giáo phái khác có thật sự đã giác ngộ như họ tuyên bố hay không?”

“Này Subhadda,” Đức Phật nói, “đừng để tâm đến câu hỏi đó nữa. Hãy lắng nghe, Như Lai sẽ nói Chánh Pháp cho ông nghe.”

“Bất cứ học thuyết hay giới luật nào không bao gồm Bát Chánh Đạo sẽ không có người chứng ngộ Thánh Quả. Bất cứ nơi nào hành trì Bát Chánh đạo, sẽ có những vị chứng ngộ Thánh quả. Chỉ có Chánh Pháp của Như Lai dạy đạo lý Bát Chánh Đạo. Nếu các vị tỳ kheo của Như Lai nghiêm chỉnh thực hành đạo lý này, thế giới sẽ không bao giờ vắng bóng những bậc A La Hán cao thượng.”

Subhadda vô cùng hoan hỉ. Ông xin được Đức Phật nhận làm đệ tử xuất gia của Ngài. Đức Phật chấp thuận, và truyền cho Đại Đức Ānanda cho Subhadda thọ giới xuất gia.

Như vậy, Subhadda là người đệ tử cuối cùng được Đức Phật nhận vào Tăng đoàn, và Koṇḍañña ở vườn Lộc Uyển ở Benares là người đệ tử đầu tiên. Tinh tấn chuyên cần tu tập giáo pháp và giới luật, không bao lâu sau Subhadda chứng thánh quả A La Hán.

Đức Phật nói với Đại Đức Ānanda:

“Này Ānanda, có thể một số tăng chúng đang nghĩ rằng: Từ đây ta không còn được nghe lời Thầy giảng nữa. Ta không còn ai hướng dẫn dạy dỗ nữa rồi.‟ Nhưng, Ānanda, suy nghĩ như vậy là không phải. Giáo pháp và giới luật Như Lai đã giảng dạy và hướng dẫn Chư Tăng lúc Như Lai còn sống sẽ là thầy của các vị khi Như Lai nằm xuống.

Đức Phật ngủ ngon giấc không?

“Bây giờ Như Lai còn hiện diện, các vị gọi nhau là “huynh đệ”. Khi Như Lai nhập diệt, những vị trưởng lão cao tuổi hạ có thể gọi các vị nhỏ hơn trong Tăng Đoàn bằng tên được rồi, hoặc là “em” hay “đệ”. Còn các vị nhỏ tuổi phải luôn luôn thưa các vị trưởng thượng trong Tăng Đoàn là “Bạch Đại Đức” hay “Bạch Ngài”.

“Sau khi Như Lai viên tịch, nếu muốn Tăng Đoàn có thể bỏ bớt những giới luật nhỏ nhặt, ít quan trọng.”

Xong, Đức Phật nói với Chư Tăng:

“Tỳ kheo nào còn hoài nghi hay thắc mắc nào về Phật Pháp Tăng, về Con Đường, về đạo hạnh chân chánh, thì hãy hỏi ngay lúc này đây, để sau này khỏi hối tiếc đã không nhờ Như Lai giải tỏa khi Như Lai còn sống.”

Không một tỳ kheo nào lên tiếng. Không một hoài nghi thắc mắc nào còn vướng trong tâm.

Đức Phật hỏi lần thứ hai, rồi lần thứ ba, vẫn không một ai lên tiếng.

Đại Đức Ānanda nói:

– Vi diệu thay! Bạch Thế Tôn! Con vững tin rằng tất cả các tỳ kheo không một ai còn chút hoài nghi hay thắc mắc nào về Tam Bảo, về Giáo Pháp hay về Giới Luật nữa.

“Này Ānanda,” Đức Phật nói, “với con, con thấy vậy là do đức tin. Còn Như Lai, Như Lai biết, rằng không một vị tỳ kheo nào ở đây còn chút hoài nghi hay thắc mắc gì nữa. Tất cả Chư Tăng hiện diện nơi đây, ngay cả những vị có trình độ tu chứng thấp nhất, ít ra đều đã chứng đắc được quả vị Nhập Lưu, không còn tái sanh vào những cõi xấu nữa, sẽ thẳng tiến chứng đạt Niết Bàn.”

Rồi Đức Phật nói với các vị khất sĩ những lời cuối cùng:

“Này Chư Tỳ Kheo, đây là lời dạy cuối cùng của Như Lai:

Sabbe saṅkhārā aniccā,

Appamādena sampādetha.

Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường.

Hãy tinh tấn tìm cầu giải thoát!”

Nói xong lời di huấn cuối cùng này, Đức Phật nhắm mắt, nhập vào các tầng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền sắc giới và các tầng thiền vô sắc giới. Đoạn, Đức Phật lần lượt ra khỏi các tầng thiền. Kế đến Ngài lại nhập từ sơ thiền đến tứ thiền sắc giới rồi từ đó nhập diệt, không bao giờ còn trở lại sanh tử luân hồi nữa. Đức Phật đã nhập Đại Niết Bàn (Parinibbāna).

Lời dạy của Đức Phật về làm hại và không làm hại

Đã hơn hai mươi lăm thế kỷ rồi, kể từ khi Thái tử Siddhattha Gotama, dòng dõi Sākya, chứng quả vị Phật, và nhập diệt ở xứ Kusinārā xa xăm. Nhưng những lời Ngài giảng dạy, Giáo Pháp của Ngài, không bị mai một phai mờ. Con đường giải thoát Ngài đã khai ngộ vẫn lưu truyền trong triệu triệu tâm tư nhân loại. Đó cũng nhờ, sau khi Đức Phật nhập diệt, các vị A La Hán và các đệ tử của Ngài đã tiếp tục hoằng hóa Giáo Pháp khắp lãnh thổ Ấn độ, vượt biên thùy, qua tận Tây phương đến xứ Ai cập, Hoa kỳ, vào sâu lãnh thổ miền Đông phương đến Tây tạng, Trung hoa, Nhật bản, Việt nam, tới Lapland ở Bắc cực lạnh lẽo, tận Java của quần đảo Nam dương. Cho đến ngày hôm nay, đã hai thiên niên kỷ rưởi từ ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, trên khắp một phần ba lãnh địa thế giới đâu cũng kính ngưỡng hồng danh Đức Phật: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, và Thế Tôn – vị Thầy đã chỉ dạy cho chúng sanh cứu cánh Niết Bàn và Con Đường Giải Thoát.

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Hồi Hướng Công Đức

Nguyện cho tất cả chúng sanh

Cùng chia trọn vẹn phước lành hôm nay

Nguyện cho tất cả từ đây

Luôn luôn an lạc, duyên may mọi miền.

Nguyện cho chư vị Long Thiên

Trên trời dưới đất oai thiêng phép màu

Cùng chia công đức dầy sâu

Hộ trì Chánh Pháp bền lâu muôn đời.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nguồn tin: “A Young People’s Life of the Buddha” By Bhikkhu Sīlacāra

Tác giả: Thitasīla Thùy Khanh chuyển ngữ từ Anh sang Việt – Người đọc: Diệu Nghiêm

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.