Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Với trái tim nhân hậu, cung cách khiêm nhường, Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành luôn trải lòng mình với hạnh nguyện giáo hóa chúng sinh, phát tâm từ thiện, giúp đỡ mọi người.

Trong một lần đến thăm ngôi chùa tại quận 3, TP. HCM, chúng tôi được diện kiến và trò chuyện cùng Ni sư Thích Nữ Nhựt Thành – Trụ trì chùa Vĩnh Xương. Với nụ cười nhân hậu, rất mực hiền từ của một người con Phật, Ni sư Nhựt Thành cho biết, có duyên với nhà Phật từ thuở bé, được Sư Tổ chùa Vĩnh Xương là Hòa thượng Thích Đạo Thành đưa về chùa giáo huấn từ nhỏ. Mọi sinh hoạt tu học đều tuân theo giới luật thiền môn, Ni sư luôn thể hiện đúng giáo lý của Phật: “Từ – Bi – Hỷ – Xả, cứu độ chúng sanh”.

Với quan niệm làm việc thiện, mang lại hạnh phúc cho mọi người chính là niềm vui, niềm hạnh phúc và sự bình yên trong tâm hồn, nên Ni sư luôn cảm động trước những hoàn cảnh khó khăn đang cần sự sẻ chia của xã hội. Tại TP. HCM, Ni sư Nhựt Thành không còn xa lạ với bà con Phật tử và người dân nơi đây. Bởi Ni sư không chỉ là một bậc chân tu gắn liền đời mình với đạo pháp, mà còn luôn tích cực hướng về những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó bằng những việc làm rất thiết thực, được Phật tử gần xa tín nhiệm và quý mến. Ni sư Nhựt Thành là người khởi xướng và điều hành nhiều chương trình từ thiện, nhân đạo xã hội mang lại hiệu quả cao và ý nghĩa.

Càng gần gũi với người nghèo, Ni sư càng thấu hiểu nỗi thống khổ của họ. Trăn trở rồi hành động, nhiều năm qua, thấu hiểu được khó khăn của người dân nghèo, nhất là những khi ốm đau, bệnh tật, Ni sư đã tổ chức chương trình “Bếp ăn tình thương” phục vụ hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày cho người bệnh nghèo tại 5 bệnh viện (Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Dưỡng Đường, Quận 8).Trong đợt dịch Covid – 19 vừa qua, đồng hành với chính quyền địa phương trong công tác chăm lo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid – 19, Ni sư đã tổ chức xây dựng “Cây ATM gạo” cho người nghèo tại chùa, nhằm hướng đến phục vụ người bán vé số, thu mua ve chai, người cơ nhỡ, neo đơn, chia sẻ một phần khó khăn của người dân.

Rồi chương trình: “Giếng nước tình thương” cho người nghèo, qua thực tế khảo sát ở các địa phương vùng hạn mặn tại tỉnh Kiên Giang, các hộ dân nông thôn đang rất cần nguồn nước sạch, thấu hiểu tình hình khó khăn của bà con nghèo và ý nghĩa của việc cung cấp nước sạch. Ni sư đã vận động các Phật tử và mạnh thường quân thực hiện chương trình: “Giếng nước tình thương” cho những hộ gia đình nghèo, neo đơn, không nơi nương tựa, thường xuyên thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Trong hành trình này, Ni sư đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao hàng trăm giếng nước sạch, trang bị máy bơm cho bà con nghèo vùng nông thôn tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Với vai trò là Trưởng ban Từ thiện Xã hội GHPGVN Quận 3, Trụ trì chùa Vĩnh Xương, Ni sư đã cùng với các Tăng Ni, Phật tử không quản ngại đường xa, nắng mưa đi đến rất nhiều vùng miền trên cả nước để thăm hỏi, tặng quà cho những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, tật nguyền, cứu trợ cho những đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai bão lụt… giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Trên hành trình hành đạo, Ni sư Nhựt Thành đã và đang làm bằng cả trái tim, tất cả vì tình yêu với cộng đồng mà theo Ni sư: Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật. Tâm nguyện cao cả đó là động lực giúp Ni sư gắn bó và có nhiều đóng góp to lớn cho các hoạt động từ thiện xã hội của GHPGVN TP.HCM trong suốt hơn 30 năm qua.

Có thể nói, Ni sư Nhựt Thành đã thể hiện chữ đạo và đời thật dung hòa bằng sự nhiệt tình và tâm huyết trong các công tác Phật sự và thiện nguyện. Chính sự tâm huyết, sự chỉ giáo của Ni sư với hàng Phật tử trong việc thực hiện các công việc từ thiện xã hội kết hợp cùng sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đã khiến cho những việc tốt được nhân rộng trong toàn xã hội, đó mới là mục đích cao đẹp của công tác thiện nguyện và là đỉnh cao của tinh thần Phật giáo nhập thế.

Thiện Quang

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.