Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Câu chuyện này xảy ra khi Đức Ðạo Sư ở Trúc Lâm. Bấy giờ, hoàng tử Vô Úy dẹp loạn ở biên giới về, vua cha Tần Bà Sa La rất vui lòng, ban thưởng cho hoàng tử một vũ nữ trẻ đẹp, giỏi tài múa hát, và cho ở hoàng cung bảy ngày.

Người nóng giận cũng như rắn độc

Trong bảy ngày, hoàng tử say mê ngắm vẻ lộng lẫy của cung điện phụ vương. Ngày cuối cùng, như thường lệ chàng vào vườn hoa ngắm cô vũ nữ nhảy múa, ca hát. Chẳng bao lâu, cô vũ nữ này bị bệnh và chết.

Hoàng tử Vô Úy rất buồn vì cái chết của nàng vũ nữ. Bất chợt một ý nghĩ thoáng qua: “Chẳng có ai ngoài Đức Thế Tôn có thể làm tiêu tan nỗi buồn của ta”. Chàng đi đến chỗ Đức Phật và nói:

– Bạch Thế Tôn! Xin giải trừ nỗi buồn cho con.

Ðức Phật an ủi chàng:

– Này hoàng tử! Trong vòng luân hồi vô cùng vô tận, không thể đếm được bao nhiêu lần vũ nữ kia đã chết, và cũng không lường được nước mắt mà hoàng tử khóc cho cô ấy.

Biết hoàng tử đã bớt buồn, Đức Phật dạy tiếp:

– Này hoàng tử! Không nên sầu não, chỉ có kẻ khờ dại mới chôn mình trong bể ưu bi.

(Theo Truyện tích Pháp Cú)

Sống theo lời Phật: con dao trong tâm

Bài học đạo lý: 

Cuộc sống con người có không ít những nỗi buồn riêng. Mỗi người có một cách giải trừ buồn chán khác nhau. Thường thì họ tìm quên nơi ồn náo hay ru mình nơi lặng lẽ hoặc gửi gắm niềm riêng với các bậc thánh thần. Đến chùa, gặp Phật để mong tìm một giải pháp từ nơi tuệ giác của Thế Tôn, như hoàng tử Vô Úy đã làm, cũng là một cách hay mà ngày nay người ta vẫn thường làm.

Quan điểm của đạo Phật là phát huy tuệ giác để diệt trừ khổ não. Đức Phật từng khẳng định với hoàng tử Vô Úy rằng: “Chỉ có kẻ khờ dại mới chôn mình trong bể ưu bi”. Sự ra đi, tổn thất và mất mát vốn đã làm cho người ta đớn đau rất nhiều rồi. Cái bị mất thì đã mất rồi, không thể cứu vãn được nhưng sự tiếc thương, dằn vặt cùng với thù hận lại càng khiến người ta đau khổ thêm lên. Người có tuệ giác thì không như vậy, phải mau chóng gượng dậy và quyết tâm làm lại từ đầu.

Không thể hết buồn bằng cách tìm quên ở chốn ồn ào với các thú vui trần trụi, sáo rỗng như mọi người vẫn thường làm. Vì khi giờ phút vui vẻ giả tạm ấy đi qua, thì nỗi buồn lại dâng trào, đắng cay càng mãnh liệt hơn. Người mang tâm sự buồn cần tìm một nơi thanh nhàn, nhìn thẳng vào chính mình và nỗi buồn để thấy rằng sự mất mát nói chung là vốn dĩ. Quán chiếu về sự tổn thất và mất mát gần như là một thuộc tính gắn chặt với thân phận con người. Những ai tốt phước lắm cũng chỉ nắm giữ được vài mươi năm, những gì yêu thích không bỏ mình ra đi thì cuối cùng mình ra đi cũng phải từ bỏ nó.

Lời Phật dạy: Biết đủ thường vui

Hành trình của cuộc sống với đích đến cuối cùng là sự chối bỏ, chẳng ai mang theo được bất cứ thứ gì. Việc mất mát hôm nay chỉ là sự ra đi hơi sớm một tí mà thôi. Và nhìn xa hơn (phát triển thiền quán một cách sâu sắc) sẽ thấy rằng mình không chỉ mới mất mát trong hiện tại mà trong quá khứ cũng như ở tương lai, sự vuột khỏi tầm tay những gì yêu thích là điều không thể kiểm soát và làm chủ được.

Tất cả đều đang trôi chảy, không bao giờ đứng yên hay dừng lại. Được mất, có không ở đời chỉ là ảo hóa, phù dung. Vậy thì mong nắm giữ điều không thể nắm giữ có được gì? Thấy được như vậy là ta có thể mỉm cười trước mọi biến động và bắt tay làm lại từ đầu. Vì suy cho cùng, tiếc nuối và buồn đau nhiều cũng chỉ thiệt cho mình mà cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Đó chính là tuệ giác, liệu pháp tích cực và hữu hiệu nhất để hóa giải nỗi buồn.

Quảng Tánh

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.