Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Tư niệm thực là những ước mơ, hoài bão ta đang khao khát, mong muốn được thực hiện trong tương lai. Ta muốn được làm thủ tướng hay bộ trưởng, hay chí ít cũng làm giám đốc, đậu bằng tiến sĩ để đem những hiểu biết ứng dụng vào đời. Những mong muốn như thế thấm vào người giống như một loại thức ăn.Mong muốn chính là một loại thực phẩm làm cho con người không ngừng phấn đấu và rèn luyện. Ước muốn mạnh mẽ sẽ giúp ta có thêm năng lực để thực hiện những hoài bão. Nhưng có những ước muốn sẽ làm ta bất hạnh, khổ đau suốt cuộc đời vì tham lam, dính mắc như quyền cao chức trọng, nhiều tiền bạc của cải, tài năng xuất chúng hay sắc đẹp hơn người.

Muốn được mạnh khỏe và an vui, hạnh phúc để làm tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình, đóng góp cho xã hội; hay ước muốn trở thành bậc giác ngộ mà cứu độ tất cả chúng sinh là loại thức ăn tư niệm thực chúng ta cần phải có.
Thiền viện thiếu món ăn tinh thần thì chúng đói, nếu chúng ta tìm thức ăn không tốt sẽ bị nhiễm độc, bị nhiễm độc thực phẩm thì chết thân mạng, bị nhiễm độc tinh thần thì chết giới thân huệ mạng, dù còn trong đạo nhưng không dùng được việc có ích cho mọi người. Trên thực tế, các Thiền viện sinh hoạt tốt đẹp nhờ các vị lãnh đạo đều sống phạm hạnh thanh tịnh, do đó đại chúng nương theo mới thăng hoa đạo đức tâm linh.
Nếu hàng ngày ta thường tiếp xúc với người phải trái, đúng sai, được mất, hơn thua, buồn thương, giận ghét, tiếp xúc với trần cảnh do thấy-nghe trong phân biệt, dính mắc thì ý thức bắt đầu suy nghĩ theo đường danh lợi, bị sự cúng kính làm mờ mắt, dẫn đến hư hỏng một đời tu.
Khi tu hành ta phải nên nhận rõ tầm quan trọng của xúc thực, không cho sáu căn tiếp xúc với sáu trần để không bị chúng làm ô nhiễm và không lưu giữ điều xấu vào kho tâm thức. Chúng ta tu là biết chọn con đường tốt đẹp, không đi con đường xấu xa. Con đường hiền thánh không mở ra thì con đường tội lỗi sẽ làm ta mờ mắt mà quên cả lối đi của bậc hiền thánh Tăng và chư Phật.
Dòng nước chảy xuôi thường gây ra lũ lụt, ngập úng nên người ta phải ngăn nó bằng cách mở đập cho nước chảy vào, để chuyển thành dòng điện mang lại lợi ích cho nhân loại. Dòng đời cũng thế, vì đa số không biết giữ năm giới của nhà Phật nên ba đường dưới địa ngục, quỷ đói, súc sinh rộng mở và đang chờ đón những người thiếu hiểu biết vì không tin sâu nhân quả.
Suy nghĩ của con người lúc nào cũng như dòng nước chảy khó thể ngăn được nên ta chỉ tiếp xúc với những gì tốt đẹp, lợi ích và cao quý, nhưng phải thích hợp với trình độ và nghiệp lực của mình. Thiền là sự sống của con người, ta biết thiền trong mọi hoàn cảnh thì an ổn, nhẹ nhàng, trí tuệ phát sinh. Chính vì vậy, khi đọc kinh, sám hối hay tham thiền, chúng ta cảm nhận niềm vui nên dần hồi buông xả được phiền não, tham-sân-si từ từ nhẹ bớt, không còn nặng như ngày xưa.
Đức Phật dạy: Vì hạnh phúc nhiều người, chúng ta hãy gây dựng tài sản đúng pháp bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Này những người chủ trong gia đình, có năm lý do chính đáng để gây dựng tài sản. Thế nào là năm?
Ở đây, này gia chủ, được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thâu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc, hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an vui hạnh phúc. Đây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản.
Lại nữa, này gia chủ, vị này làm cho bạn bè, thân hữu được an vui hạnh phúc. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.
Vị ấy biết cách chặn đứng các tai họa có thể khiến vị ấy trở thành trắng tay, vị ấy giữ được tài sản an toàn. Đây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản.
Vị ấy có thể hiến tặng cho bà con, thiết đãi bạn bè, tổ chức tiệc tùng chiêu đãi khách, cúng hương linh người quá cố, hiến cúng cho vua và cúng dường chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gây dựng tài sản.
Vị ấy cúng dường các bậc sa môn, Bà la môn, sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báo vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gây dựng tài sản.

Việc tạo ra của cải tài sản vật chất đã khó, quan trọng hơn nữa là việc gìn giữ, phát triển bền vững và lâu dài lại càng khó hơn. Đức Phật đã chỉ ra một số nguyên nhân để gây ra sự thất thoát, tiêu tán tài sản như sau: 

Này gia chủ, có sáu nguyên nhân phung phí tài sản: Đam mê rượu chè là nguyên nhân phung phí tài sản. Thường xuyên đi chơi đêm hoặc ra ngoài trong giờ làm việc là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà hí viện đình đám tức là những nơi vui chơi, đàn ca múa hát hoặc trà đình tửu điếm, lầu xanh. Ngày nay người ta gọi là quán bar, vũ trường và những nơi mua hương bán phấn, hưởng thụ trụy lạc… là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du với bạn ác là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói ăn không ngồi rồi, lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.
Tất cả mọi người muốn phát triển và tồn tại là nhờ vào sự siêng năng làm việc và ăn uống để duy trì cơ thể. Muốn tồn tại con người cần phải lao động để làm ra của cải vật chất. Người cư sĩ phải có việc làm chân chính bằng sức lực và mồ hôi nước mắt của chính mình, nhằm làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
Khi có một đời sống ổn định kinh tế vững vàng về lâu dài thì sẽ giúp cho chúng ta khỏi phải lo lắng về sự an sinh đời sống thiếu hụt, nhờ vậy ta có thời gian để làm phước và tu tập chuyển hoá. Người bất hạnh thiếu thốn khó khăn nghèo khổ thì khó bề dấn thân đóng góp, sẻ chia bản thân mình không đủ ăn, lấy gì giúp đỡ người khác.
Theo lời Phật dạy, nghèo khổ và thiếu thốn khó khăn quá mức còn là những nguy cơ sinh ra nhiều tội ác. Do đó nghèo khổ làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước, nghèo thì nợ nần chồng chất, bị chủ nợ hối thúc, bị truy đuổi, bị đe dọa tính mạng, bị hăm doạ cho nên cuộc sống đa phần phải chịu nhiều phiền muộn khổ đau.
Để đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần phải tích cực siêng năng trong việc làm ra của cải vật chất, biết chi tiêu phù hợp những nhu cầu cần thiết, và không để tài sản hao hụt thất thoát. Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định về mọi mặt, thì xã hội mới hưng thịnh và bền vững lâu dài. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình cần phải có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau để đảm bảo an sinh đời sống, về vật chất lẫn tinh thần.
Để duy trì nề nếp sinh hoạt, tình cảm, văn hóa, đạo đức, kinh tế, tài chính, truyền thống gia đình, sự nghiệp của từng cá nhân và sự nghiệp chung của gia tộc, mỗi thành viên phải có trách nhiệm, bổn phận để làm thành cho nhau bằng sự siêng năng tinh cần.
Trước tiên để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, những thành viên trong gia đình cần siêng năng tháo vát trong việc tạo ra của cải vật chất, biết sử dụng tài sản một cách hợp lý và biết giữ gìn tài sản, không để cho tài sản thất thoát, tiêu tán bất hợp pháp.
Trong kinh Phật dạy có năm nghề nghiệp không nên làm. Một là nghề đồ tể tức là nghề giết mổ các loài súc sinh. Hai là buôn bán vũ khí bao gồm các phương tiện giết người, gây khổ đau cho nhiều người khác. Ba là buôn bán con người bao gồm buôn bán nô lệ, nô tỳ lao động, phục dịch, mua bán trẻ em, mua bán phụ nữ làm nô lệ tình dục. Bốn là mua bán chất gây say, gây nghiện như rượu, xì ke ma túy. Và cuối cùng là mua bán các hóa chất độc hại hay thuốc độc để làm tổn hại con người. Đức Phật luôn khuyến khích mọi người sinh sống và nỗ lực bằng đôi bàn tay và khối óc của mình.
Đây là những nghề nghiệp có thể làm tỗn hại nặng nề về người và vật, Phật vì lòng từ bi thương xót chúng ta nên mới chỉ bày như thế. Người khôn ngoan sáng suốt phải biết lựa chọn nghề nghiệp, việc làm có tính cách giúp ích cho xã hội mà không làm tổn thương người khác.
Những nghề cao quý là thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư, trồng trọt, vận chuyển hàng hóa và giúp con người mua bán trao đổi các phương tiện vật chất… đến tay người tiêu dùng.
Người cư sĩ tại gia được quyền thừa hưởng hạnh phúc về sở hữu vật chất của riêng mình, và có thể bố thí cúng dường giúp đỡ sẻ chia, dấn thân đóng góp, phục vụ vì lợi ích cộng đồng xã hội, cũng như phát tâm hộ trì.



Thích Đạt Ma Phổ Giác

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.