Trong nhiều loại quả báo có tính chất ‘nhãn tiền’, biểu hiện ngay trong hiện đời, thì những người làm nghề đồ tể, chuyên giết mổ trâu bò chó heo là dễ thấy nhất. Nhưng đó chỉ mới là quả báo trong hiện đời, còn nhiều quả báo khác nặng nề trong mai hậu sẽ chờ đợi họ. Chuyện Tôn giả Đại Mục-kiền-liên gặp một ngạ quỷ chỉ còn gân xương chịu nhiều đau khổ dưới đây là một điển hình.
“Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên và Tôn giả Lặc-xoa-na cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Sáng sớm, Tôn giả Lặc-xoa-na đi đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, rủ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương-xá khất thực. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên im lặng nhận lời. Hai Tôn giả cùng vào thành Vương-xá khất thực. Đi đến một nơi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên có điều gì suy nghĩ trong tâm, nên mỉm cười. Tôn giả Lặc-xoa-na thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên mỉm cười, liền hỏi:
– Thường khi nào Đức Phật và các đệ tử của Ngài vui vẻ mỉm cười là phải có duyên cớ. Vậy hôm nay, Tôn giả vì nhân duyên gì lại mỉm cười như vậy?
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đáp:
– Câu hỏi chưa đúng lúc. Hãy vào thành Vương-xá khất thực xong, trở về trước Thế Tôn rồi hãy hỏi việc này. Lúc ấy thầy có thể hỏi và tôi sẽ trả lời thầy.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cùng Tôn giả Lặc-xoa-na vào thành Vương-xá khất thực xong, trở về, rửa chân, cất y bát, rồi cùng đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Tôn giả Lặc-xoa-na hỏi Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
-Sáng nay, tôi cùng với thầy ra khỏi núi Kỳ-xà-quật để đi khất thực. Đến chỗ nọ, thầy lại vui vẻ mỉm cười. Tôi liền hỏi thầy cười việc gì. Thầy nói, tôi hỏi không đúng lúc. Bây giờ tôi hỏi lại, vì nhân duyên gì mà thầy mỉm cười?
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên trả lời Tôn giả Lặc-xoa-na:
– Giữa đường tôi thấy một chúng sanh, gân với xương liền nhau, toàn thân nhơ bẩn, hôi hám đáng tởm, bị quạ, diều, két, kên kên, dã can, chó đói theo mổ ăn, hoặc moi nội tạng từ xương sườn ra ăn; cực kỳ đau đớn, kêu la, gào thét. Tôi thấy vậy tâm liền nghĩ: Chúng sanh đã mang cái thân như vậy, lại còn chịu sự thống khổ vô ích như vậy?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ- kheo:
– Lành thay! Lành thay! Trong chúng Thanh văn của Ta, người có thật nhãn, thật trí, thật nghĩa, thật pháp, thì sẽ thấy chúng sanh này nhất định không trở ngại. Ta cũng thấy chúng sanh này nhưng không nói, sợ người không tin. Vì sao? Những điều Như Lai nói, có kẻ không tin. Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài.
– Này các Tỳ-kheo, chúng sanh kia, thời quá khứ, ở tại thành Vương-xá này, là đệ tử của người đồ tể giết trâu bò. Vì tội giết trâu bò nên đọa vào địa ngục, trải qua trăm ngàn năm chịu vô lượng khổ. Vì dư báo tội giết trâu bò, nên ngày nay phải chịu cái thân này và phải tiếp tục chịu đau khổ vô ích như vậy.
– Này các Tỳ-kheo, như những gì Đại Mục-kiền-liên đã thấy là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 509)
Quả báo nặng nề cho người đồ tể thì quá rõ. Sau khi trải qua nhiều kiếp chịu thống khổ nơi địa ngục còn chịu nhiều đau khổ nữa trong đường ngạ quỷ, như lời Thế Tôn đã nói. Điều đặc biệt trong pháp thoại này là Thế Tôn xác chứng rằng việc thấy ngạ quỷ kia là chuyện thường nhưng lâu nay Ngài không nói, vì sợ người không tin. Bởi những gì mà Như Lai đã nói, nếu gặp kẻ vô trí không tin thì “Kẻ ngu si ấy phải chịu khổ lâu dài”.
Chính ý này nhắc nhở chúng ta lưu tâm khi đọc kinh điển. Không phải những gì Thế Tôn dạy chúng ta đều có thể thấu hiểu hết và kiểm chứng được, nhất là những chuyện tiền thân, kiếp sau, chuyện thiên giới hay ngạ quỷ… Thành ra, kính tin nơi giáo pháp của Thế Tôn là một đức tính quan trọng để bỏ ác, làm lành. Phải học theo Bồ-tát để sợ nhân, không như chúng sinh khi quả báo xấu đến mới sợ (Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả).
Quảng Tánh-Báo Giác Ngộ