Nằm trong quần thể chùa tháp Đại Tòng Lâm thuộc trung tâm thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu, Huê Lâm II ngày nay đã trở thành ngôi bảo tự trang nghiêm, rộng lớn, lưu dấu nhục thân cố Sư trưởng Như Thanh – một bậc đại danh Ni của Ni giới Nam Bộ cận đại.
22 năm trôi qua kể từ ngày Ân sư khuất bóng cũng là 22 năm Ni chúng miền Nam thiếu vắng sự giáo huấn của Người. Riêng tôi, cách xa hơn hai thập niên để hình dung về một bậc Trưởng lão Ni mô phạm lại càng là điều vô cùng cách trở và thiếu hiện thực. Ấy vậy, khi đứng trước khuôn viên “Đàm Hoa bảo tháp” do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM phụng lập cho Sư trưởng – một chứng tích lịch sử đã kéo tôi về quy kính sự thanh cao mà tôi đã nghe, đã đọc về Người không lâu trước đó. Chí ít, bên bia mộ khắc ghi tên Người còn cả một trang sử được chạm trổ (mặt trong tường bảo tháp) bằng những vần điệu xúc tích qua 4 bài thơ thất ngôn bát cú về công hạnh và đạo nghiệp của Sư trưởng.
1. Ba y một bát bước đường dài
Thuận Hóa, Thăng Long học biện tài
Từ phận đủ đầy trong nghi tắc
Tỳ ni trùng trị hạnh Như Lai
Tiếp dẫn chúng sanh nên đạo nghiệp
Dắt dìu đoàn thể buổi tương lai
Khắp nơi ai cũng đều quy ngưỡng
Sư trưởng Hồng Thanh ở chỗ này.
2. Thủ Đức từ khi gửi chút duyên
Phước Tường xuất thế được lưu truyền
Sớm lo công quả vui tình Phật
Chiều lại cùng nhau tụng chân thuyên
Gieo giống Bồ đề không lui sụt
Mở mang Bát Nhã tịnh tâm thiền
Ra đi tham học chân thiện mỹ
Trở lại nơi nào cũng bổn nguyên.
3. Nguyện lực hoằng thâm lợi ích sâu
Phát huy đạo cả lộ duyên mầu
Dương trong trăng sáng đầy ba cõi
Ý đẹp lời hay khắp bốn châu
Núi Phố vẹn lòng ân pháp hóa
Hải Vân thắm đượm cưỡi xe trâu
Hội Sơn một độ ngôi phương trượng
Trùng kiến Huê Lâm buổi ban đầu.
4. Hồi quang phản chiếu chí lợi tha
Tuyên dương đạo Thích hạnh Tăng già
Ni bộ lập thành công đệ nhất
Từ Nghiêm độ chúng cảnh Thiền na
Một đời trọn vẹn hơn tám chục
Tùy duyên hóa độ cõi Ta bà
Theo dấu chân xưa về Bảo sở
Tháp bia còn đó với sử gia.
Có thể nói, 4 bài thơ không đủ để diễn tả hết công hạnh của Người cho dân tộc và Đạo pháp nhưng với sự ấn chứng của Tăng già, nó đủ ý nghĩa để chuyển tải giá trị nền “di sản văn hóa vật thể và phi vật thể” của một bậc Đại Ni Nam Bộ cận đại. Đàm Hoa vẫn còn đó dưới chân bảo tháp nhưng hơi thở và tất cả sự kính ngưỡng về Sư trưởng đang được tiếp nối bởi nhiều thế hệ nhiệt huyết của Huê Lâm. Đó cũng là điều tất nhiên và rất được mong mỏi sau sự an nghỉ của Người:
Giác ngạn thần du Long nữ thiền thiên huyền bửu tháp
Diêm phù hóa mãn Kiều Đàm tịnh cảnh ký chân thân.
(Câu đối trước cổng bảo tháp)
Nhật Nhã