Giải thoát theo Thế Tôn có khi thật cao xa thuộc sự chứng đắc của các bậc Thánh nhưng cũng giản đơn rất gần gũi đời thường. Sống có chánh niệm, làm chủ thân tâm trước cám dỗ của tham dục, ngủ nghỉ, bia rượu cùng các chất gây nghiện khác cũng là giải thoát rất nhiều rồi.
Ở đời, người ta hay nói hễ cái gì thiếu hụt thì ham muốn, còn đầy đủ quá rồi thì thôi, thậm chí còn sinh ra nhàm chán.
Sự thật thì có nhàm chán một số thứ nhưng chỉ tạm thời, lắng dịu được một lát, như ăn no xong thì đói, lại thèm ăn. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ khiến người ta mải đam mê không chán, không dừng như uống nước biển, càng uống lại càng khát. Âu cũng là thân phận của chúng sinh trong cõi Dục, cõi của ham muốn bất tận.
Trong vô vàn thứ khiến người ta đam mê, có thứ thuộc nghiệp cũ, nó nằm sâu trong tim óc, sinh ra đã có rồi nhưng có thứ thuộc về nghiệp mới, mới tập tành trong hiện đời mà vẫn dính mắc nghiện ngập không thể rời ra được. Nghiệp cũ là tham dục, ngủ nghỉ, còn nghiệp mới là say nghiện rượu bia, ma túy… Loanh quanh suốt cả đời người cũng không thoát ba thứ này. Người đời cũng cần lưu ý ba món này để giữ mình, người tu lại càng lưu tâm hơn vì “quen thói thì không biết nhàm chán, cũng lại không thể dẫn đến chỗ thôi dứt”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có ba pháp này, quen thói thì không biết nhàm chán, cũng lại không thể dẫn đến chỗ thôi dứt. Thế nào là ba? Nghĩa là tham dục, nếu có người quen pháp này, ban đầu không chán; hoặc lại có người quen uống rượu, ban đầu không chán; hoặc lại có người quen ngủ nghỉ, ban đầu không chán. Đó là, các Tỳ-kheo! Nếu có người quen ba pháp này, ban đầu không chán, lại cũng không thể đến chỗ diệt tận. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường hãy bỏ lìa ba pháp này, chẳng nên gần gũi. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
Tham dục là bản chất của chúng sinh trong Dục giới. Nếu không tham thì hẳn chúng ta đã không sinh vào cõi này. Tham dục nhiều thì đau khổ nhiều, tham dục ít thì đau khổ ít, không tham dục thì không đau khổ. Vấn đề là làm sao để bớt tham, đoạn giảm, dẫn đến ly tham? Phát huy tuệ giác để thấy rõ ngoài thân thì vô thường, trong thân thì bất tịnh, tất cả thế giới vũ trụ đều là dukkha (khổ đau, bất toàn, lưu chuyển, không định tính…). Tâm trí càng tịnh sáng bao nhiêu thì tham dục càng bớt lại bấy nhiêu.
Ngủ nghỉ cũng thuộc tham dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Dù rằng ngủ nghỉ rất cần cho sự sống còn và sống khỏe của con người. Điều cần quan tâm ở đây là phân biệt rạch ròi giữa ngủ nghỉ đủ và tham ngủ nghỉ. Hơn một phần tư đời người chỉ dùng cho ngủ nghỉ mà thôi. Ngủ ít mà sâu, ngon giấc vẫn đủ đầy hơn ngủ nhiều mà chập chờn, mộng mị. Thiền định là liệu pháp tích cực cho giấc ngủ sâu, nghỉ ngơi tuyệt đối, ngủ nghỉ ít mà nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sảng khoái tinh thần.
Uống rượu bia, dùng các chất ma túy khiến say nghiện là điều tệ hại, tuy mới huân tập đời này mà lại không biết chán, khó dứt trừ. Say nghiện khiến cho con người mất hết nhân cách, phạm nhiều tội lỗi. Ở đời nghiện bất cứ thứ gì cũng khổ. Nhưng nếu lỡ say nghiện rồi mà thấy rõ sự lệ thuộc, sự nguy hiểm rồi nỗ lực, phấn đấu một cách kiên cường thì có thể cai được. Cắt cơn được rồi thì cố cách ly, “chẳng nên gần gũi” may ra mới giữ được an toàn không tái nghiện.
Giải thoát theo Thế Tôn có khi thật cao xa thuộc sự chứng đắc của các bậc Thánh nhưng cũng giản đơn rất gần gũi đời thường. Sống có chánh niệm, làm chủ thân tâm trước cám dỗ của tham dục, ngủ nghỉ, bia rượu cùng các chất gây nghiện khác cũng là giải thoát rất nhiều rồi.
Quảng Tánh