Sợ hãi là một trạng thái tâm lý thường xảy ra khi người ta sống một mình, nhất là ở trong đêm khuya, những nơi hoang vắng, thiếu an ninh và an toàn. Những người ẩn tu trong rừng núi, hang động hàng ngày đều phải đối mặt với thiếu thốn vật chất, những nguy hại từ côn trùng, thú dữ và nhiều âm thanh kỳ quái trong tự nhiên (tiếng gió hú, tiếng muông thú gầm, tiếng cành cây cọ vào nhau, tiếng cành cây gãy, tiếng hòn đá lăn…), nếu không có lực tu mạnh mẽ, chánh niệm không vững vàng thì họ cũng bị sợ hãi chế ngự.
Việc một Tỳ-kheo đang ngồi thiền dưới gốc cây trong rừng, vào lúc giữa trưa vắng vẻ (hay trong đêm trường tịch mịch), trong tận cùng hoang vắng cô liêu ấy chợt có tiếng động lạ, tâm sinh khởi sợ hãi âu lo cũng là chuyện bình thường với người chưa đắc định. Sợ hãi phát sinh, rồi lớn mạnh dần và sinh ra dao động bất an. Nếu không chuyển hóa được tâm sợ hãi ấy thì hành giả khó có thể tiếp tục hành thiền. Vị ẩn sĩ phải tìm cho được nguyên nhân phát sinh sợ hãi mới trị liệu tận gốc. Thì ra, các tác nhân bên ngoài vốn không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến ta sợ hãi, chính việc không an trú trong thiền định mới là cốt lõi của vấn đề.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, ở trong một khu rừng, nhập chánh thọ ban ngày, vào lúc giữa trưa, Tỳ-kheo kia sanh tâm không vui, nói kệ:
Nơi đây trời đứng bóng
Chim chóc đều lặng thinh
Hoang vắng chợt có tiếng
Làm tâm ta sợ hãi.
Lúc ấy, Thiên thần ở trong rừng kia nói kệ:
Hôm nay trời đứng bóng
Chim chóc đều lặng thinh
Hoang vắng chợt có tiếng
Vì tâm ông không vui.
Hãy xả tâm không vui
Chuyên vui tu chánh thọ.
Sau khi Thiên thần kia nói kệ làm cho Tỳ-kheo này tỉnh ngộ rồi, Tỳ-kheo này chuyên tinh tư duy, trừ bỏ phiền não, đắc A-la-hán”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1335)
Với người hành thiền sơ cơ, không phải lúc nào họ cũng thiết lập được chánh niệm, an trú tâm vững chắc vào đề mục. Bấy giờ, thông qua sự ghi nhận của các giác quan, cảnh trần dễ dàng chi phối sự chú tâm, khiến tâm xao lãng, bất an. Chính trạng thái tâm hoang vu, không kiểm soát này là mảnh đất màu mỡ cho sợ hãi và “không vui” phát sinh.
Nếu thiết lập được chánh niệm, tâm an trú vững chắc vào đề mục, nhẹ nhàng vượt thoát sự trói buộc của năm triền cái thì hỷ lạc và định tĩnh sẽ tuần tự phát sinh. Hành giả xả ly các dục và bất thiện pháp, tâm cảm nhận rất rõ sự hỷ lạc (vui) có được nhờ ly dục. Nếu không có cái ‘vui’ này nuôi dưỡng thì khó đi sâu vào định.
Kinh văn xác định rất rõ nội dung tu tập là “chuyên vui tu chánh thọ”, tức dựa vào hỷ lạc (do xả ly tham dục) làm nền tảng rồi tiếp tục phát huy chánh niệm cao độ để thành tựu các cấp độ định từ Sơ thiền (Ly sinh hỷ lạc), Nhị thiền (Định sinh hỷ lạc), Tam thiền (Ly hỷ diệu lạc) cho đến Tứ thiền (Xả niệm thanh tịnh). Sau khi có định, hành giả nỗ lực phát huy thiền quán “chuyên tinh tư duy, trừ bỏ phiền não” để chứng đắc bốn Thánh quả.