Tha thứ cho kẻ chiến bại là việc khó làm. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, hầu hết kẻ chiến bại đều phải chết; nếu không bị xử tử nơi pháp trường cũng sẽ chết dần mòn trong lao ngục, tù đày.
Tuy vậy, chết chưa phải là hết. Hiển nhiên cái còn là hận thù. Đời này không trả được thì đời sau, thế hệ này không rửa được tủi nhục thì thế hệ khác. Cứ thế oán thù vẫn đeo đẳng kéo dài không bao giờ dứt.
A-xà-thế (vua nước Ma-kiệt-đà) khi mới lên ngôi còn trẻ nên rất hung hăng. “Ngựa non háu đá” nên A-xà-thế dám cất binh chinh phạt nước Câu-tát-la. A-xà-thế đâu biết rằng nước Câu-tát-la giàu có, binh hùng tướng mạnh, vua nước Câu-tát-la là Ba-tư-nặc dày dạn kinh nghiệm trị nước và giữ nước nên khiêu chiến không bao lâu A-xà-thế liền bị bắt sống, số phận nằm trong tay vua Ba-tư-nặc.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đã là Phật tử, ông không hành xử theo lệ thường mà xử sự một cách khác thường. Ba-tư-nặc mang kẻ chiến bại và chiến lợi phẩm đến yết kiến Đức Phật. Nhờ Phật chứng minh, vua Ba-tư-nặc quyết định tha thứ cho kẻ thù. Và cũng thật bất ngờ, Đức Phật tán đồng quyết định sáng suốt ấy: “Đại vương, thả cho người đi, bệ hạ sẽ được an ổn, lợi ích lâu dài”.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc và vua Ma-kiệt-đà A-xà-thế con bà Vi-đề-hy chống đối nhau. Vua Ma-kiệt-đà A-xà-thế con bà Vi-đề-hy khởi bốn thứ quân kéo đến nước Câu-tát-la. Vua Ba-tư-nặc khởi bốn thứ quân gấp đôi ra nghinh chiến. Bốn thứ quân của vua Ba-tư-nặc đắc thắng, bốn thứ quân của vua A-xà-thế thua, khiếp phục tán loạn.
Vua Ba-tư-nặc bắt sống vua A-xà-thế và thu được tiền tài, bảo vật xe cộ ngựa voi. Bắt sống vua A-xà-thế, chở cùng xe đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, đây là vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hy, mà con không bao giờ oán hận. Nhưng người lại gây oán kết; đối với người tốt mà tạo điều không tốt. Song người này là con của bạn con. Con sẽ thả ra cho trở về nước.
Phật bảo vua Ba-tư-nặc:
– Lành thay, Đại vương, thả cho người đi, bệ hạ sẽ được an ổn, lợi ích lâu dài.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Cho dùsức tự tại
Thường hay xâm lược người
Sức tăng thì càng oán
Bội thu lợi mình người.
Phật nói kinh này xong, vua Ba-tư-nặc và vua A-xà-thế, con bà Vi-đề-hy, nghe những gì Phật dạy hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1237)
Mới hay, không dễ để tha thứ cho kẻ thù. Phải là một nhân cách lớn, biết nhìn xa trông rộng, lấy lợi ích quốc dân làm trọng mới làm nên những kỳ tích. Thế nên, danh nhân Nguyễn Trãi đã chủ trương “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về việc tha thứ cho kẻ thù nhưng chắc chắn một điều rằng, để hóa giải oán kết trùng trùng thì tha thứ là tối thắng. Tha thứ để được an ổn và lợi ích lâu dài.
Người đệ tử Phật, học theo hạnh tha thứ và bao dung, kẻ thù còn tha thứ được huống gì những người phạm lỗi, nhất là lỗi của người đồng đạo. Tha thứ là phương thức giáo dục, cho người phạm lỗi cơ hội cơ hội sửa sai, phục thiện. Làm người ai mà không lỗi, nên tha thứ cho người cũng là tha thứ cho mình. Còn các biện pháp kỷ luật, xử phạt, chế tài chỉ là việc bất đắc dĩ, đó là chưa nói tới nếu không đạt được “yên dân” thì lợi bất cập hại, sẽ không “an ổn, lợi ích lâu dài”.
Quảng Tánh – Báo Giác Ngộ