Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chúng sanh vì tham luyến mà hiện hữu trên thế giới Ta-bà này. Chúng sanh luôn bám chặt, dính mắc vào nó, không lúc nào mà không suy nghĩ, tưởng nhớ về ái và đắm chìm trong ái.

Tham lam là liều thuốc độc

Trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp, vua Mi Lan Đà có hỏi Đại đức Na Tiên như sau:

– Thưa Đại đức! Người còn tham luyến và người đã dứt trừ tham luyến, hai hạng người ấy khác nhau ở chỗ nào?

Đại đức đáp:

– Người còn tham luyến là người còn dính mắc, người không còn tham luyến là người không còn dính mắc, tâu đại vương.

Nhà vua nghĩ rằng, sống trên đời này ai cũng ưa ăn sung mặc sướng; ai cũng muốn thọ dụng ngũ dục khả ái, khả ý; thế thì chuyện riêng dính mắc hoặc không dính mắc làm sao biết được, làm sao phân biệt được?

Đại đức trả lời:

– Đúng là cả hai bên đều thọ dụng giống nhau, đều phải ăn, mặc giống nhau. Nhưng với kẻ còn tham luyến thì họ đắm say, hưởng thụ, tìm thỏa mãn trong ngũ dục, lại còn suốt đời miệt mài đeo đuổi ngũ dục. Trái lại, người không còn tham luyến, họ ăn, mặc, ngủ rất chừng mực, điều độ. Ăn, mặc, ngủ đối với họ chỉ để nuôi mạng sống, duy trì thân thể để tu tập, để hành phạm hạnh. Như vậy, được gọi là dính mắc và không dính mắc tâu đại vương.

Chúng sanh vì tham luyến mà hiện hữu trên thế giới Ta-bà này. Chúng sanh luôn bám chặt, dính mắc vào nó, không lúc nào mà không suy nghĩ, tưởng nhớ về ái và đắm chìm trong ái, ví như trong chuyện kinh Pháp Cú (phẩm 16), có nói về sự ái luyến giữa cha mẹ và con.

Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến ba đệ tử:

Tại Xá-vệ, một gia đình nọ chỉ có một người con trai. Công tử là niềm vui và là tình thương đối với cha mẹ. Một ngày kia, có vài vị Tỳ-kheo được mời đến nhà thọ trai. Sau khi dùng xong, chư Tỳ-kheo nói lời hồi hướng. Chàng thanh niên nghe những câu kệ tụng, bỗng ao ước trở thành Sa-môn, và lập tức xin cha mẹ xuất gia. Hai ông bà từ chối. Chàng trai nghĩ thầm: “Khi cha mẹ ta không để ý, ta sẽ trốn nhà đi tu”. Mỗi khi ông cha đi đâu, ông bảo vợ trông chừng con trai:

– Hãy giữ nó cẩn thận.

Và khi người mẹ đi vắng, bà giao ông trông chừng. Ngày nọ, sau khi người cha rời khỏi nhà, bà mẹ thầm nghĩ: “Ta sẽ trông nom con ta chu đáo”. Bà ngồi chắn ngang cửa ra vào, hai chân chặn hai cánh cửa và bắt đầu dệt. Chàng trai nghĩ: “Ta sẽ lừa mẹ trốn đi”, và chàng nói:

– Mẹ yêu dấu, nhấc chân lên một chút, con muốn đi ra ngoài.

Bà nhích chân và cậu đi ra. Cậu chạy như bay đến tinh xá và xin phép các Tỳ-kheo cho mình xuất gia. Các Tỳ-kheo nhận lời, cho cậu gia nhập Tăng chúng.

Người cha về đến nhà, hỏi vợ:

– Con đâu rồi?

– Nó vừa mới đây.

Ông cha tìm khắp nơi, nghĩ:

– Con ta có thể đi đâu?

Và khi không thấy con trai đâu, ông kết luận:

– Chắc nó đã đến tinh xá.

Ông cha đi đến tinh xá, và thấy con trai đã khoác y vàng, ông khóc lóc than thở:

– Con ơi, sao con nhẫn tâm với cha vậy?

Nhưng sau đó, ông suy nghĩ:

– Bây giờ con ta đã xuất gia, sao ta còn sống đời cư sĩ làm gì? Ông bèn xin xuất gia làm Sa-môn.

Bà mẹ ở nhà bắt đầu sốt ruột:

– Sao thằng con và ông già đi đâu lâu quá?

Tìm kiếm chán, thình lình bà chợt nhớ:

– Chắc chắn họ đã đi vào tinh xá và tu rồi.

Bà chạy đến tinh xá, thấy hai cha con trở thành Sa-môn, bà suy tính:

– Họ đã xuất gia, mình còn sống ở thế gian này làm gì? Và bà đến tinh xá ni, xin xuất gia.

Nhưng dù cho cả ba đã từ bỏ thế gian và chấp nhận đời sống tu sĩ, họ cũng không thể lìa xa nhau. Ngay ở tăng xá hay bên nữ tu viện, cả ba đều ngồi chung với nhau và nói chuyện với nhau cả ngày. Chư Tỳ-kheo chê trách thái độ ấy và bạch lên đức Phật. Thế Tôn cho gọi cả ba và hỏi:

– Có phải các ngươi làm như thế, như thế?

Họ thưa vâng. Phật dạy:

– Vì sao các ngươi làm vậy? Đó không phải thái độ của người xuất gia.

– Nhưng, bạch Thế Tôn, chúng con không thể sống xa nhau được.

– Từ khi đã xuất gia, thái độ như thế là không thích hợp. Chia lìa người thân hay bắt buộc phải gặp hoài người không thân, cả hai đều gây đau khổ. Vì thế, ta không nên chấp chặt là thân hay không thân, dù đối với người hay là vật.

Ái dẫn dắt chúng sanh đến sự luân hồi trong ba cõi bốn loài. Do chúng sanh tham chấp đắm chìm trong tham ái, nên bị nó dẫn dắt từ kiếp này sang kiếp khác mà không có cách nào thoát khỏi. Phật dạy:

“Chớ gần gũi người yêu

Trọn đời xa kẻ ghét

Yêu không gặp là khổ

Oán phải gặp cũng đau”.

“Do ái sinh sầu ưu

Do ái sinh sợ hãi

Ai thoát khỏi tham ái

Không sầu, đâu sợ hãi”.

“Tham ái sinh sầu ưu

Tham ái sinh sợ hãi

Ai thoát khỏi tham ái

Không sầu, đâu sợ hãi”.

Tâm Vạn

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.