Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Chân Nguyên Thiền sư, một trong những cây đuốc sáng rực và là nhà tư tưởng lớn trong Phật Giáo ở thế kỷ thứ 17. Những tác phẩm của ngài bị bỏ rơi ít được nhắc đến hoặc đề cập đến vẫn còn nhiều thiếu sót không chính xác.

“Khi nói đến tình hình văn học ở những thế kỷ 16 – 17, chúng ta thường phàn nàn về sự ít ỏi của những tác phẩm cũng như tác giả. Lấy thí dụ cả thế kỷ 17 chỉ có một tập thơ của Trịnh Căn, hai tập diễn ca lịch sử ở đàng Ngoài, mấy bài văn của Đào Duy Từ ở đàng Trong “chúng ta vội kết luận sự nghèo nàn những tác phẩm. Đáng ra nếu truy tầm đúng mức những tác phẩm bị lãng quên hoặc chưa quật khởi thì số lượng sáng tác ở thế kỷ này không đến nỗi nghèo nàn như chúng ta tưởng.

Thiền sư Chân Nguyên và những tác phẩm của ngài là một minh chứng trong việc quên lãng đó. Thiền sư rất được những tác giả cổ điển biết đến, không những trong giới Phật Giáo, mà ngay cả lĩnh vực văn học cũng được nhiều người nhắc nhở đến tên ngài. Như Trừng (1696-1733) đã đề cập đến tên ngài nhiều lần trong Ngũ Giới Quốc Âm và Thập Giới Quốc Âm:

Như như vâng giáo Chân Nguyên

Diễn dương luật tạng lưu truyền sâu xa.

thien-su-chan-nguyen

Đồng thời Ngô Sỹ Liên (1726-1780) tác giả Việt Sử Tiêu Án đã nhắc nhở đến tên ngài với sự kính cẩn, quy  định trong Đại Nghị Quốc Ngữ vai trò kế thừa sự nghiệp trước tác của Thiền sư Chân Nguyên như sau:

Như thị cũng dòng Chân Nguyên

Lịch triều pháp sự quốc ban rõ ràng

Lịch triều nay đã đảm đang

Theo đòi dấu trước mở mang kim thì.

Thiền sư Chân Nguyên được kể như tác giả vĩ đại, có những tư tưởng quan niệm khác thường, những tác phẩm của ngài bàng bạc sâu rộng trong quần chúng và đã tạo nên những điển tích rất có giá trị nhưng, phần nhiều người viết về văn học sử không nắm được tác quyền nên không xác định rõ rệt về vai trò của Chân Nguyên trong nền văn học ở thế kỷ 17.

Thiền sư Chân Nguyên họ Nguyễn tên Nghiêm, tự là Đình Lân, người làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Ông sinh năm 1647, nhân đọc sự tích Thiền sư Huyền Quang dòng Trúc Lâm Yên Tử, ngài thấy “cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, nữa mình là học trò “. Câu này tác động mãnh liệt vào nội tâm của Nguyễn Nghiêm nên ông quyết dứt bỏ tất cả và đi xuất gia năm 19 tuổi.

Con đường giác ngộ và tư tưởng thiền của ngài Chân Nguyên

Trước tiên, ngài tìm đến chùa Hoa Tiên, học đạo với Thiền sư Chân Trụ, được pháp danh là Tuệ Thông, nhưng vì Chân Trụ mất sớm, bèn cùng với bạn đồng liêu là Như Niệm đi tham học, thực hành hạnh đầu đà, không ở một chỗ nào nhất định, du phương tham vấn thêm Phật Pháp.

Sau đó, Như Niệm bỏ cuộc về trụ trì chùa Cô Tiêu. Tuệ Thông bèn đến núi Côn Lương làng Phù Lãng tham kiến Thiền sư Minh Lương ở chùa Vĩnh Phúc, vị này đệ tử của Thiền sư Chuyết Chuyết, và được Thiền sư Minh Lương đặt cho tên là Chân Nguyên. Chữ Chân này là chữ thứ hai trong bài kệ truyền pháp của ngài Minh Hành.

Minh Chân như tính hải

Kim Tường Phổ chiếu thông

Chí đạo thành chánh quả

Giác Ngộ chứng chân không.

Dịch:

Thấy chân như biển rộng

Ánh vàng chiếu vô cùng

Đạt đạo thành chánh quả

Giác ngộ chứng chân không.

Theo sách Kế Đăng Lục nói rằng “một hôm ông tham vấn Thiền sư Minh Lương về một điều thâm diệu trong Phật Pháp thì chỉ thấy Thiền sư Minh Lương nhìn thẳng vào hai mắt ông một hồi lâu nhờ đó mà ông giác ngộ. Thiền sư Minh Lương có để lại một bài kệ phó pháp sau đây cho Thiền sư Chân Nguyên”.

Ngọc xinh ẩn trong đá

Hoa sen nẩy tự bùn

Nên biết tìm giác ngộ

Nơi sinh tử trầm luân.

(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch

Liên hoa xuất ư nê

Tự tri sinh tử xứ

Ngộ thị tức bồ đề)

Trước khi được tham vấn Thiền sư Minh Lương, Thiền sư Chân Nguyên đã từng tu tập nhiều nhất trong việc dụng công về Thiền, có lẽ là Công Án mà Bách Trượng Thiền Sư (724-814) trao cho Hương Nghiêm. “Hãy nói cho tôi nghe về mặt mũi của chính ông khi mà ông chưa được cha mẹ sinh ra?

thien-su-chan-nguyen

Sau nhiều tháng năm tra vấn với nội tâm, đập tan những lớp phấn sơn bao bọc Vô Minh, cuối cùng mọi lẽ nhiệm mầu bỗng chốc bừng lên, khi được đôi mắt sáng như điện xẹt của Minh Lương chiếu thẳng, quét sạch những tàn dư đang ẩn núp trong tận cùng ngõ ngách, bóng đêm bị đẩy lùi ra khỏi ngưỡng cửa thời gian, ông vụt trong thấy toàn cõi tử sinh trong chốc lát mà không cần phải đi qua thứ lớp, tất cả mọi hiện tượng chứa đầy trong đôi mắt, cứ việc đem ra mà dùng, tìm cầu giác ngộ ở bên ngoài chỉ luống công, nhọc sức, nấu cát thành cơm. Công Án này Thiền sư Chân Nguyên có diễn tả trong sách Thiền Tông Bản Hạnh.

Thuở xưa trời đất chưa sanh

Cha mẹ chưa có thật mình Chân Không

Chẳng có tướng mạo hình dung

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư.

Quan niệm về Thiền của Thiền sư Chân Nguyên, có nhiều sắc thái đặc biệt mới lạ hoàn toàn dung hòa giữa hai nền tâm linh của Ấn Độ, và Trung Hoa, tổng hợp trở thành tư tưởng Thiền có nhiều tính chất của Dân Tộc, ngài khai thác nội tâm mang đầy bản tính hiền hòa chất phác của người Việt, không nặng về quan niệm đẩy kẻ ấy rơi vào ngõ bí không lối thoát, nhưng ngài cho thấm nhuần và thấy được giá trị tuyệt vời của nó, một cách từ từ như đi trong sương ướt áo, dù trời không mưa.

Thiền sư chủ trương then chốt của việc đạt được giác ngộ là thắp sáng liên tục ý thức của mình về sự hiện hữu của tự tính “trạm viên” đó là nguồn gốc chân thật của mình. Ý thức trọn vẹn được điều này tất cả những tương quan hành động, ý tưởng của ta tự nhiên đi vào con đường giác ngộ mà không cần phải suy luận đắn đo, không một cử chỉ nào là không phù hợp với chân lý mầu nhiệm, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý dù tiếp xúc với trần cảnh như vào ngôi nhà rỗng không, chẳng có gì ràng buộc tạo được nghiệp sinh tử. Thiền sư Chân Nguyên đề cập điều này rất nhiều lần trong Thiền Tông Bản Hạnh.

Hậu học đã biết hay chăng

Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời

Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi

Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông.

Thiền sư Chân Nguyên hay nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối thoại, có lẽ thẩm định lại và làm hưng khởi tâmlinh của con người ấy, may ra tìm thấy được sự chứng ngộ. Thiền sư vì nhờ Minh Lương nhìn thẳng vào mắt mà được giác ngộ. Nên cuộc đời còn lại Thiền sư Chân Nguyên đã dùng đến xảo diệu này. Ngài diễn tả trong Thiền Tông Bản Hạnh:

Tam Thế chư Phật tổ sư

Tứ mục tương cố thị cừ Thiền cơ.

Và ở khía cạnh khác bốn mắt nhìn nhau ông nói.

Tứ mục tương cố nhãn đồng

Thầy tớ trao lòng đăng chúc giao huy.

Hóa Phật thọ ký vô biên

Tứ mục tương cố mật truyền tâm tông.

Thiền sư Chân Nguyên cũng lưu ý cho chúng ta, về vấn đề ngôn ngữ, theo ngài chỉ là phương tiện để đối trị lại những đảo điên mà ta đang trực diện. Ngài viết: “Xử dụng ngôn thuyết là việc bất đắc dĩ, phải dùng phương tiện để đối trị vọng tưởng của chúng sanh. Nếu không tùy trường hợp mà đối trị những vọng tưởng ấy, tức là không thể có giáo pháp. Mà không có giáo pháp thì không có Phật cũng không có Tăng. Tam Bảo đã không thì không có người thuyết pháp, không có người nghe pháp, cũng không có pháp được thuyết. Giáo Pháp đã từ nhân duyên mà có thì cũng chỉ là phương tiện để làm trẻ con nín khóc mà thôi, đâu phải là chân thực. Người ngu phu thì cần nhiều kinh điển, nhiều giáo pháp, bậc thượng trí thì chỉ cần một tiếng hét hay một nụ cười cũng có thể đốn ngộ tự tính.”

Những tác phẩm của Thiền sư Chân Nguyên

thien-su-chan-nguyen

Chân Nguyên Thiền sư là một cây bút lớn ở nền văn học thế kỷ thứ 17. Số lượng sáng tác của ngài khá nhiều, những tác phẩm sau đây đã được tìm thấy.

1- An Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh – đã được tái bản đến 3 lần, 1745, 1805 và 1932

2- Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh in 1850

3- Ngộ Đạo Nhân Duyên

4- Đạt Na Thái Tử hành, năm 1838

5- Hồng Môn hành, năm “Minh Mạng vạn vạn niên”

6- Thiền Tịch Phú năm 1932

Đó là những tác phẩm bằng quốc âm. Sau đây là những tác phẩm bằng Hán Văn.

7- Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới in 1748

8- Tịnh độ yếu nghĩa in ba lần 1747, 1851, và 1860

9- Nghênh sư duyệt định khoa in lại 1887.

Ngoài ra ngài còn viết tựa một số các kinh sách khác do ngài chủ trương hay người khác đứng in như:

– Long thư tịnh độ văn tự

– Trùng san Long thư tịnh độ luận hậu bạt tự.

Đó là những tác phẩm đã được tìm thấy, ngoài ra còn nữa chúng ta chưa khám phá ra. Và sự phát hiện bản in Nam Hải Quan Âm Bản Hạnh năm 1850. Trước đó đã bị liệt vào loại khuyết danh, đã có những công cuộc nghiên cứu hai tác phẩm phổ biến trong nhân gian có một vài tư liệu phân tích về dữ kiện ngôn từ, ảnh tượng và ý tưởng cho rằng rất có thể tác giả là Thiền sư Chân Nguyên, đó là Quan Âm tống truyện và Phạm Tải Ngọc Hoa.

Chúng ta thử đi sâu vào một vài tác phẩm của Thiền sư Chân Nguyên, chẳng hạn như Thiền Tịch Phú: Đây là bài Phú Nôm về Chùa Long Động mang nhiều sắc thái và từ ngữ thuần túy Việt Nam. Bài này được chùa Long Động bảo quản và được Thiền phố phiên âm và in trong Đuốc Tuệ số 7 ra ngày 21-1-1936 tại Hà Nội. Sau đây là một đoạn trong Thiền Tịch Phú:

“Am thờ tổ ngói lấp gỗ lim

Nhà trú tăng vách vôi tường gạch

Mấy bức kẻ chữ tiện mực giồi

Bốn bên diễu câu lơn sóc sách

Gác rộng thênh chuông đưa ba chập, niệm Nam Mô nhẹ tiếng boong boong.

Lầu cao vót trống điểm mấy hồi, đọc thần chú khua tang cách cách.

…..

Chè Bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm

Bánh Tam Thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.

Quả Bồ Đề ăn ngọt xớt, muôn kiếp hằng no.

Hoa ưu bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch

Sang tây phương bệ ngọc đứng chơi

Về Đông Độ tòa vàng ngồi phịch

Bể từ bi thênh thông rộng rãi, mặc sức chở người

Thuyền Bát Nhã thăm thẳm bao la, giàu lòng độ khách

Thích Ca Phật Tổ ngồi tuyết sơn khô chẳng gầy già

Di Lặc Tiên Quang đi vận thủy đẫy đà phục phịch

Đức Tuệ Năng bát nguyện trung phường

Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích

Thần quan đoạn tý, lúc còn mê mặt khó đăm đăm

Ca Diếp nhãn đồng, thoạt chốc ngộ miệng cười khềnh khệch.

Dù ai quyết lòng học đạo, hỏi cho hay rừng Thỏ lông rùa

Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu cua tai ếch.”

Và trong tác phẩm Ngộ Đạo nhân duyên có một đoạn đề cập đến nhân tâm, nhằm hiển lộ nên lối truyền thừa, dĩ tâm truyền tâm, dĩ mục truyền mục, chúng ta thử đọc về hình ảnh này qua cách diễn đạt của Thiền sư Chân Nguyên.

Đèn tâm mắt Phật mới vừa sinh

Tâm Ấn truyền nhau bốn mắt nhìn

Tiếp nối đèn kia về bất tận

Thiền lâm thắp mãi ánh quang minh .

(Nhất điểm tâm đăng Phật nhãn sinh

Tương truyền tứ mục cố phân minh

Liên phương tục diệm quang vô tận

Phổ phó thiền lâm thọ hữu hình)

Đó là điển hình trong việc đi vào một vài tư tưởng cũng như những tác phẩm của ngài. Ở đấy ta thấy được giá trị siêu việt của một văn tài đã bị lãng quên.

Như Hùng (Trích từ: Thiền Sư và Tư Tưởng Giác Ngộ, xuất bản 1987)

What's your reaction?
0Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.