Trong một chuyến hoằng pháp, một bé gái hỏi: “Con có một con chó, con chó đó đã chết. con không biết phải làm thế nào để hết buồn?” Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời: “Con nhìn lên trời và con thấy một đám mây thật đẹp. Đám mây dần trở thành những hạt mưa. Khi con tĩnh tâm uống ly trà của con, con có thể thấy đám mây trong ly trà”.
Từ bi và dấn thân
Thích Nhất Hạnh được một số tờ báo đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Thầy là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” (Engaged Buddhism) trong cuốn sách “Hoa sen trong biển lửa” xuất bản năm 1966 (dịch nhiều thứ tiếng và chỉ khi tái bản lần thứ 4 mới được in bản tiếng Việt). Cuốn sách ví đạo Phật như bông hoa sen được tôi luyện trong biển khổ và con đường thầy đi giống như những lời trong kinh Duy Ma Cật đã dạy: Bồ Tát chứng đạt được cõi Phật thanh tịnh đều vì muốn làm lợi ích cho chúng sinh chứ không phải để sống một cuộc đời độc lập, giải thoát, xa lìa sự đau khổ của chúng sinh.
Trả lời nhà báo John Malkin về khái niệm Phật giáo dấn thân, thầy trả lời: “Phật giáo dấn thân chỉ là Phật giáo. Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong, mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn. Khi còn ở Việt Nam, những nhà sư trẻ tuổi chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi đưa đạo Phật vào xã hội. Điều này chẳng dễ dàng gì bởi xã hội truyền thống không trực tiếp hình thành Phật giáo dấn thân. Chúng tôi phải tự làm lấy.
Đó là lý do Phật giáo dấn thân ra đời. Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền. Dấn thân là đem áp dụng tuệ giác mình đạt được làm vơi nhẹ những khổ đau trong xã hội, trong môi sinh và trong chính trường.
Viết sách để giúp trẻ em, tù nhân và người yếm thế
Tới nay, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất bản hơn 100 cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, sách của thầy luôn nằm trong hàng sách loại đơn giản bán chạy nhất cho tới loại sách sâu sắc uyên thâm. Nhưng với thầy: “Tôi không bao giờ có ý muốn xây dựng những tu viện sang trọng diễm lệ. Khi tôi bán được sách, có được khá nhiều tiền bản quyền, tôi chỉ muốn dùng tiền đó để giúp trẻ em thiếu ăn hay cho những nạn nhân thiên tai bão lụt tại Việt Nam. Nhiều người trong chúng tôi vẫn còn ngủ trong túi ngủ ngay trên sàn phòng, hoặc trên chiếc giường làm bằng lớp nệm mỏng đặt lên phiến gỗ gác trên bốn viên gạch. Sống đơn giản, thanh bần như thế không làm cho chúng tôi bớt hạnh phúc”.
Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại ba miền Việt Nam với tên gọi “Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan”, cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai từng chịu hậu quả của chiến tranh.
Thầy đã có những khóa tu cho cảnh sát, cho quản giáo, cho tù nhân và cho những chính trị gia như Nghị Sĩ Quốc Hội Hoa Kỳ. Thầy cũng hướng dẫn nhiều đoàn đi thiền hành cho hòa bình, đã đưa được người Do Thái đến với người Palestine để cùng ngồi thiền chung, làm việc chung.
Yêu thương và lòng bao dung
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng: Con đường của tình yêu thương là một trong những trải nghiệm phức tạp và đáng trân quý nhất của con người. Yêu thương chính là một tên gọi của sự thấu hiểu. Yêu thương một người nghĩa là thấu hiểu mọi nỗi khổ đau mà người đó phải chịu đựng.
Nếu bạn đổ một thìa muối đầy vào cốc nước, nước sẽ mặn đến nỗi không thể uống. nếu bạn đổ một thìa muối xuống sông, người ta vẫn có thể lấy nước sông tắm rửa, nấu nướng, và uống. Sông rất bao la và có thể dung chứa được nhiều thứ. Chúng ta chấp nhận hay tha thứ cho người khác bởi sự sai sót của họ và muốn họ thay đổi, nhưng khi trái tim ta mở rộng, những điều tương tự không làm chúng ta đau khổ. Hiểu biết, và từ bi, có thể bao dung với người khác.
Thiện và Ác
Chúng ta không ý thức được mối tương quan mật thiết giữa mình với mọi người và mọi loài xung quanh mình. Đạo Bụt gọi mối liên hệ đó là “tương tức” (“inter-being”).
Nhiều người trong chúng ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền tài và sắc dục. Chúng ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó có thể dẫn chúng ta đi tới chỗ tàn hoại thân tâm mình. Những người trẻ thường lẫn lộn giữa tình dục và tình yêu chân thật. Trên thực tế thì tình dục có thể hủy hoại tình yêu và đưa tới sự thèm khát, cô đơn và tuyệt vọng nhiều hơn.
Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta mỗi ngày hiểu sâu hơn về người ta thương. Cái hiểu chính là nền tảng của tình thương đích thực. Chúng ta không thể nào có được một tình thương đích thực nếu ta không hiểu được người mình thương.
Có chánh niệm thì ta sẽ nhận ra được những tàn hại đối với các loài gia súc, gia cầm cũng như đối với hành tinh này do ngành công nghiệp sản xuất thịt gây ra. Ý thức được điều đó thì ăn chay là một hành động thương yêu đối với chính mình, đối với môi trường và đối với trái đất.
Biết dừng lại
Thị trường bên ngoài không ngừng cung cấp cho ta những phương tiện để giữ cho tâm ta luôn ở trong tình trạng này. Thân của ta ở đây mà tâm của ta thì đang chạy theo những dự án ở tương lai, những sầu đau của quá khứ hay những lo lắng, buồn phiền trong hiện tại.
Khi thiền sư được mời hướng dẫn thực tập chánh niệm cho hơn 700 nhân viên của Google tại trụ sở chính của tập đoàn này ở California. Điều đầu tiên mà thầy chia sẻ là sự thực tập DỪNG LẠI, tại vì trong xã hội hiện nay chúng ta luôn có thói quen rong ruổi, tìm cầu. Khi chúng ta có khả năng DỪNG LẠI, chúng ta có thể nhận diện được những gì đang xảy ra trong thân và trong tâm mình. Và đây là cách thức để ta có thể bắt đầu chăm sóc cho chính mình. Chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại và nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt thì ta có thể tiếp xúc được ngay với hạnh phúc đích thực.
Thầy Thích Nhất Hạnh có chia sẻ về Chánh niệm: “Chánh niệm là luôn luôn đi về… về đến đây và về đến hiện tại. Quý vị đã chạy rất nhiều nhưng quý vị chưa về đến. Bởi vậy, thực tập chánh niệm giúp chúng ta học được cách sống cuộc đời mình thật sâu sắc. Như thế, chúng ta sẽ không lãng phí cuộc đời mình”.
Vượt “ngọn đồi Dương Xuân”
Trong tác phẩm: “Hơi thở nuôi dưỡng & hơi thở trị liệu” (NXB Hồng Đức – 2015), thiền sư Nhất Hạnh tâm sự rằng: “Tôi thường mơ thấy mình trở về chùa Tổ [Từ Hiếu] để được gặp lại Thầy, các huynh đệ, các bằng hữu, các đệ tử và các tác viên thanh niên phụng sự xã hội. Trong nhiều giấc mơ tương tự, tôi thường thấy một ngọn đồi xanh mơn mởn với những hàng cây thông thật dễ thương, tráng lệ”.
“Trong giấc mơ, tôi luôn thấy mình leo lên tới nửa chừng đồi, và khi lên gần tới đỉnh, đột nhiên tôi thức giấc và thấy mình đang bị lưu đày. Lần nào trong giấc mơ cũng đều xảy ra y hệt như vậy. Tôi rất buồn tủi. Giấc mơ ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều năm. Trong giấc mơ tôi thấy không bao giờ vượt qua được ngọn đồi Dương Xuân ấy! “
Sau một thời gian chữa trị bệnh tại Pháp, khi trở về chùa Từ Hiếu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tuy không nói được nhưng sắc diện của Thiền sư khá tốt, thầy có thể giao tiếp được với mọi người thông qua cử chỉ và ánh mắt. 28/10/2018, Thiền sư và tăng đoàn của mình đã đặt chân lên đất Chùa Từ Hiếu, ngôi tổ đình mà thiền sư được xuất gia và tu học năm 16 tuổi. Thầy đã lại thêm lần nữa “vượt qua được đồi Dương Xuân” để trở về sống những ngày còn lại của cuộc đời tại chốn Tổ.
“Tôi đã quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này”. Nơi nghỉ của thầy là thiền thất được thầy đặt tên là “Thất Lắng Nghe”, là nơi thầy từng lưu trú trong những chuyến về thăm trước đây. Không gian từ bi và tâm trí thanh thản, thong dong, tự tại khiến cho đây là những ngày an trú trong tĩnh lặng ý nghĩa nhất của vị Thiền sư nổi tiếng này.
Lam Tuệ