Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

Thiền sư Thường Chiếu trụ trì chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng (Bắc Ninh), vốn là một Tổ đường rất xưa của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông được coi là người có công thúc đẩy sự hòa nhập 3 dòng Thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường trở thành một thiền phái duy nhất đời Trần.

Thiền sư Thường Chiếu (?- 1203) vốn người họ Phạm, không rõ tên. Ông sinh ra ở làng Phù Ninh (Phong Châu, Phú Thọ). Theo Thuyền Uyển Tập Anh, khi chưa xuất gia, ông từng làm quan tới chức Lệnh Đô Tào ở Cung Quảng Từ dưới triều vua Lý Cao Tông. Sau đó ông từ quan, xuất gia theo học với Thiền sư Quảng Nghiêm (1120-1190) thuộc đời thứ 11 Thiền phái Vô Ngôn Thông ở chùa Tịnh Quả.

3 Thiền phái sơ nguyên: Tỳ Ni Đa Lưu, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường

Phật giáo Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ II sau công nguyên với sự hình thành trung tâm Phật giáo Giao Châu ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Vị Tổ thiền sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam ở Giao Châu là Khương Tăng Hội (1) xuất hiện vào thế kỷ III.

Mãi đến thế kỷ thứ VI mới xuất hiện một thiền phái có tổ chức một cách hệ thống ở Việt Nam là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hay còn gọi là thiền phái Nam Phương, mà người đứng đầu là thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ từ Trung Hoa sang Việt Nam, đến tu ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh) vào năm 580.

Đến thế kỷ thứ IX lại xuất hiện thiền phái thứ hai ở Việt Nam đó là thiền phái Vô Ngôn Thông hay còn goi là thiền phái Quan Bích (2) mà người đứng đầu là thiền sư Vô Ngôn Thông cũng từ Trung Quốc sang Việt Nam đến tu ở chùa Kiến Sơ (Phù Đổng, Tiên Du, Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội) vào  năm 820. Hai thiền phái trên có nhiều thế hệ kế tiếp nhau cho đến hết đời Nhà Lý sang đầu đời Nhà Trần.

Giữa thế kỷ thứ XI (cụ thể là vào năm 1069 đời vua Lý Thánh Tông) mới xuất hiện một thiền phái thứ ba là thiền phái Thảo Đường. Cả 3 thiền phái này tồn tại và phát triển đạo Phật ở Việt Nam qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và đến khoảng giữa đời nhà Trần.

Mãi đến đầu thế kỷ XIII, ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường mới dần dần nhập lại thành một và sau này trở thành một thiền phái duy nhất đời Trần. Sự sáp nhập của ba thiền phái trên đây đã đưa tới sự phát triển lớn của thiền phái Yên Tử Trúc Lâm do ảnh hưởng lớn lao của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Người có công đầu trong sự giao nhập ba thiền phái kể trên, phải kể đến vị thiền sư họ Phạm tên là Thường Chiếu. Ông là vị thiền sư thế hệ thứ 13 thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, là tác gia Hán Nôm họ Phạm đầu tiên trong lịch sử (3), là nhân tố đầu tiên đóng góp tạo nên sự thống nhất các thiền phái, đưa đến sự phát triển lớn của Thiền phái Yên Tử của nền Phật giáo thống nhất đời Trần.

thien-su-thuong-chieu

Thiền sư Thường Chiếu và sự thống nhất các thiền phái 

Thường Chiếu (? – 1203) là người họ Phạm làng Phù Ninh (4) (tục gọi là làng Nành) thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Cho đến nay vẫn chưa biết rõ Thường Chiếu là pháp danh nhà Phật hay là tên húy. Ông sinh ra trong thời Lý Anh Tông (1138 – 1175) và làm quan trong thời Lý Cao Tông (1175 – 1210) đến chức Lệnh Đô Tào ở cung Quảng Từ. Về sau ông bỏ quan để đi tu dưới sự dạy dỗ của thiền sư Quảng Nghiêm ( ? – 1190), vị tổ đời thứ 12 thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông (Quán Bích) ở chùa Tịnh Quả. Ông được tâm truyền của thiền sư Quảng Nghiêm đến khi vị thầy của ông viên tịch vào năm 1190, ông rời chùa Tịnh Quả và lui về một ngôi chùa cổ ở phường Ông Mạc (tức phường Đống Mác, Hà Nội ngày nay).

Sau đó một thời gian, thiền sư Thường Chiếu dời sang chùa Lục Tổ ở  hương Dịch Bảng nay là chùa Cổ Pháp xã Đình Bảng, vốn là một ngôi chùa rất cổ do thiền sư Định Không (? – 808) là vị tổ thuộc thế hệ thứ 8 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi xây dựng nên từ thế kỷ VIII.

Sự kiện Thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Vô Ngôn Thông đến chùa Lục Tổ, một tổ đình lớn của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi mở trường dạy học để giáo hoá Phật pháp cho ta thấy xu hướng hoà nhập của các thiền phái đạo Phật ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII đời nhà Trần.

Ta biết rằng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ VI và phát triển đến thế kỷ XII (thời kỳ có thiền sư Thường Chiếu) đã được 18 thế hệ. Còn thiền sư Thường Chiếu thuộc thế hệ thứ 13 của dòng thiền Vô Ngôn Thông cũng là thời kỳ cuối trào. Do vậy những hoạt động của thiền sư Thường Chiếu trong giai đoạn này là bước khởi đầu cho sự hoà nhập các thiền phái đưa đến sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam.

Thiền sư Thường Chiếu, người đã khơi mào cho việc hoà nhập ba dòng thiền, mở đầu cho sự thống nhất các thiền phái của Phật giáo Việt Nam, còn có công đào tạo ra một lớp đệ tử xuất sắc như thiền sư  Hiện Quang ( ? -1221), vị tổ khai sơn phái Yên Tử; thiền sư Thần Nghi ( ? – 1216), người đã truyền lại và tục biên tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thiền sư Thông Thiền ( ? – 1228).

Các vị thiền sư này đã có công gây dựng nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thống nhất mà ngoài Thường Chiếu là vị tổ khởi đầu ra thì vị tổ thứ nhất của hệ tổ Trúc Lâm Yên Tử là thiền sư Hiện Quang. Hiện Quang truyền cho Đạo Viên còn có tên là Viên Chứng là vị tổ thứ hai (được vua Lê Thái Tông phong là Trúc Lâm Quốc sư), rồi đến thiền sư Đại Đăng là vị tổ thứ ba.

Mãi đến khi Trần Nhân Tông xuất gia tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử năm 1299, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà (sau này mới đổi hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà) thì Trần Nhân Tông được ghi nhận là người truyền thừa chính thức thuộc thế hệ thứ sáu của phái Yên Tử và là vị tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó trở đi thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử trở thành nổi tiếng, thế lực lan rộng trong triều đình và ngoài xã hội với Trúc Lâm Đầu Đà cùng với các vị đệ tử thiền sư kế tiếp là Pháp Loa và Huyền Quang trở thành Tam Tổ sáng lập ra Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm cho đến ngày nay.

thien-su-thuong-chieu

Thiền Uyển Tập Anh & Nam Tông Tự Pháp Đồ –  2 cuốn sách ghi chép lịch sử đạo Phật Việt Nam đầu tiên

Do giảng dạy Phật pháp tại một tổ đường lâu đời của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, nên thiền sư Thường Chiếu đã có điều kiện thu thập được nhiều tài liệu để bổ sung cho tập sử liệu về Phật giáo Việt Nam do thiền sư Thông Biện ( ? – 1134), thế hệ thứ 9 phái Vô Ngôn Thông soạn thảo mà ông đã có trong tay. Sau này tập sử liệu đó trở thành sách Thiền Uyển Tập Anh, một cuốn sách ghi chép lịch sử đạo Phật Việt Nam thuộc các thiền phái khác nhau ở Việt Nam những thế kỷ trước.

Ngoài trình độ thông tuệ Phật pháp, Thường Chiếu thiền sư còn là người có công biên soạn sách. Những tài liệu của ông thu thập được từ thiền sư Thông Biện và được ông bổ sung đã làm nền tảng cho sách Thiền Uyển Tập Anh và sau này tập tư liệu ấy còn được các vị thiền sư Thần Nghi và Ẩn Không là những đệ tử trực tiếp của ông đóng góp bổ sung đã trở thành sách Thiền Uyển Tập Anh. Như vậy có thể nói ông là một trong những tác giả của Thiền Uyển Tập Anh.

Ngoài ra Thường Chiếu còn soạn thảo thêm một cuốn sách đặc biệt về sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, đó là cuốn Nam Tông Tự Pháp Đồ (nay đã mất). Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì bộ Nam Tông Tự Pháp Đồ của Thường Chiếu có bài tựa của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, trong đó có ghi rằng Thường Chiếu còn là tác giả của sách Thích Đạo Giáo Khoa.

Trong thời gian hoằng dương Phật pháp ở chùa Lục Tổ, các môn đệ theo học ông ngày càng đông. Thiền sư tìm  mọi cách để truyền lại cho các đệ tử thấu hiểu thâm sâu giáo lý. Có lần sau khi giảng giải Phật pháp xong, để cho môn đệ  giác ngộ thêm, ông đọc bài kệ sau :

Tại thế vị nhân thân

Tâm vi Như Lai tạng

Chiếu diệu thả vô phương

Tầm chi cánh nguyệt khoáng.

Dịch:

Ở  thế là nhân thân

Tâm là Như Lai tạng

Chiếu dọi khắp muôn phương

Nếu tìm không thấy bóng.

Thiền sư Thường Chiếu là người dày công xây dựng sự hoà nhập giữa ba dòng thiền chính của Phật giáo Việt Nam, khởi đầu cho sự hình thành thống nhất của Phật giáo Việt Nam đi đến một thiền phái thống nhất Trúc Lâm Yên Tử.

Trước khi qua đời, ông đọc một bài kệ biểu lộ phong thái của người đã giải thoát, cho ta thấy rằng thế giới thực hữu kia đâu đâu và bao giờ cũng là quê hương mình:

Đạo bản vô nhan sắc

Tân tiên nhật nhật khoa

Đại thiên sa giới ngoại

Hà xứ bất vi gia?

(Đạo vốn không nhan sắc

Mà ngày càng gấm hoa

Trong ba ngàn cõi ấy

Đâu chẳng phải là nhà?)

Thường Chiếu, vị thiền sư họ Phạm, người có công góp phần thống nhất các thiền phái của Phật giáo Việt Nam hồi thế kỷ XII và XIII, một tác gia Hán Nôm đầu tiên của họ Phạm viên tịch ngày 24 tháng 9 năm Quý Hợi tức là ngày 22 tháng 10 năm 1203.

thien-su-thuong-chieu

Trong thời gian hoằng dương Phật pháp ở chùa Lục Tổ, các môn đệ theo học ông ngày càng đông. Thiền sư tìm  mọi cách để truyền lại cho các đệ tử thấu hiểu thâm sâu giáo lý. Có lần sau khi giảng giải Phật pháp xong, để cho môn đệ  giác ngộ thêm, ông đọc bài kệ sau :

Tại thế vị nhân thân

Tâm vi Như Lai tạng

Chiếu diệu thả vô phương

Tầm chi cánh nguyệt khoáng.

Dịch:

Ở  thế là nhân thân

Tâm là Như Lai tạng

Chiếu dọi khắp muôn phương

Nếu tìm không thấy bóng.

Thiền sư Thường Chiếu là người dày công xây dựng sự hoà nhập giữa ba dòng thiền chính của Phật giáo Việt Nam, khởi đầu cho sự hình thành thống nhất của Phật giáo Việt Nam đi đến một thiền phái thống nhất Trúc Lâm Yên Tử.

Trước khi qua đời, ông đọc một bài kệ biểu lộ phong thái của người đã giải thoát, cho ta thấy rằng thế giới thực hữu kia đâu đâu và bao giờ cũng là quê hương mình:

Đạo bản vô nhan sắc

Tân tiên nhật nhật khoa

Đại thiên sa giới ngoại

Hà xứ bất vi gia?

(Đạo vốn không nhan sắc

Mà ngày càng gấm hoa

Trong ba ngàn cõi ấy

Đâu chẳng phải là nhà?)

Thường Chiếu, vị thiền sư họ Phạm, người có công góp phần thống nhất các thiền phái của Phật giáo Việt Nam hồi thế kỷ XII và XIII, một tác gia Hán Nôm đầu tiên của họ Phạm viên tịch ngày 24 tháng 9 năm Quý Hợi tức là ngày 22 tháng 10 năm 1203.

thien-su-thuong-chieu

Chú thích:

1- Khương Tăng Hội, thiền sư Việt Nam đầu thế kỷ thứ III. Cha là người xứ Khương Cư phía Bắc ấn Độ, mẹ người Việt. Lên 10 tuổi cha mẹ chết, ông xuất gia hành đạo tại Luy Lâu, thủ phủ Giao Châu (Việt Nam), sau đó sang Đông Ngô (Trung Quốc) giảng đạo. Thiền sư Tăng Hội là người viết bài tựa kinh An Ban Thủ ý và Phương Pháp Đạt Thiền

2- Vô Ngôn Thông, người Quảng Châu, họ Trịnh. Ông sang Việt Nam tu ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng,Gia Lâm, Hà Nội, khi đó thuộc Tiên Du, Bắc Ninh.. Ngoài hai bữa cơm cháo, ông dành hết thì giờ vào việc toạ thiền, quay mặt vào vách, không nói năng gì. Vì thế dòng thiền này còn có tên là Quán Bích.

3 – Dòng thiền Vô Ngôn Thông còn có hai thiền sư người họ Phạm. Đó là thiền sư Minh Tâm ( ? – 1034) thuộc thế hệ thứ 8, người huyện Chu Minh và thiền sư Trường Nguyên (1110 – 1165) người huyện Tiên Du Bắc Ninh. Nhưng cả hai thiền sư này không để lại tác phẩm Hán Nôm nào.

4- Về quê hương của Thường Chiếu, Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế ghi là làng Phù Ninh (tục gọi làng Nành) thuộc tỉnh Phú Thọ. Sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang chỉ ghi là người làng Phù Ninh, không ghi rõ tỉnh nào. Sách Thiền Uyển Tập Anh ghi là hương Phù Ninh, nay là xã Phù Ninh huyện Gia Lâm. Tra Danh mục các làng xã Bắc Kỳ (Nomenclature des communes (du Tonkin) của Ngô Vi Liễn trong sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (Nxb VHTT.1999) thì Phù Ninh là tên làng Phù Ninh, tổng Tử Đà, huyện Phù Ninh, Phú Thọ và cũng là tên làng Phù Ninh thuộc tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh nay là thôn Phù Ninh xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm, Hà Nội.

5- Về tác giả của Thiền Uyển Tập Anh, nhiều nhà nghiên cứu đều có xu hướng thống nhất là có nhiều thế hệ của thiền phái Vô Ngôn Thông góp phần biên soạn liên tục, nhưng chủ yếu là các vị thiền sư Thông Biện, Thường Chiếu, Thần Nghi và Ân Không.

Phạm Đình Nhân (Xưa và nay)

Anh Nhy (Biên tập)

What's your reaction?
1Cool0Bad0Happy0Sad

Thêm bình luận

VedepPhatgiao.com © 2024. All Rights Reserved.