Tôn giả A Nan (Ananda) là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật, người được mệnh danh là rất uyên thâm trong nhiều lĩnh vực và có trí nhớ siêu phàm (đa văn đệ nhất).
Với những đức tính đặc biệt, tôn giả A Nan được đại chúng thời bấy giờ đề cử làm thị giả cho đức Phật và được đức Phật hoan hỷ chấp thuận. Tôn giả A Nan đã luôn theo sát đức Thế Tôn trong suốt hơn 25 năm cuối, luôn tận tụy trong việc chăm sóc đức Phật; ghi nhớ tất cả những gì mà đức Phật dạy bảo; luôn đem đến niềm an lạc cho mọi người, như chính ý nghĩa của tên Ngài — Ananda: an lành và hạnh phúc.
A Nan sinh trưởng trong một gia đình truyền thống Kshatriya (chiến sĩ giai cấp nắm quyền hành thống trị đất nước Ấn Ðộ thời bấy giờ), con của vua Amitodana. Vua Amitodana là em ruột của vua Suddhodana (Tịnh Phạn Vương – phụ thân của đức Phật). Trong quan hệ dòng họ, A Nan là em chú bác ruột với đức Phật. Ngày đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) để thăm vua cha và thân quyến lần đầu tiên sau khi thành đạo, trong số vương tôn công tử ra nghinh đón Ngài có chàng trai trẻ thuộc dòng họ vua chúa – Ananda, lập tức A Nan bị thu hút bởi cốt cách uy nghi và thanh cao của đức Phật. Sau đó, A Nan cùng với sáu vương tử khác đã đến xin đức Phật cho phép được gia nhập Tăng đoàn, đi theo con đường mà đức Thế Tôn đang đi.
Với trí thông minh có sẵn, sau khi trở thành một tu sĩ, Tôn giả A Nan đã tiếp thu giáo lý của đức Phật trọn vẹn như nước thấm vào cát. Nhân một hôm nghe Trưởng lão Punna thuyết pháp, Ngài chứng đắc được quả thánh Dự Lưu (Sotàpatti – Tu đà hoàn) — cấp độ đầu tiên trong 4 cấp độ giải thoát (Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán).
Khi được đề cử làm thị giả của đức Phật, để tránh những dư luận không tốt có thể xảy ra, Tôn giả A Nan đã đệ trình lên tám điều kiện và được đức Thế Tôn chấp nhận:
1. Không mặc áo mà đức Phật cho, dù mới hay cũ;
2. Không dùng thực phẩm mà thiện tín dâng cúng đến đức Phật, dù đó là thức ăn thừa;
3. Không ở chung tịnh thất với đức Phật;
4. Không đi theo Phật đến bất luận nơi nào mà thiện tín chỉ cung thỉnh Phật;
5. Ðức Phật hoan hỷ cùng đi với Tôn giả đến nơi mà Tôn giả được mời;
6. Ðược quyền sắp xếp, tiến cử những vị khách đến muốn gặp đức Phật;
7. Ðược phép hỏi đức Phật mỗi khi có hoài nghi phát sinh;
8. Ðức Phật hoan hỷ nói lại những bài pháp mà Ngài đã giảng khi không có mặt Tôn giả.
Và kể từ khi trở thành một thị giả trong suốt hơn hai mươi lăm năm, Tôn giả A Nan đã tận tụy, trung tín, cần mẫn với lòng kính mộ không hề suy suyển việc chăm sóc đức Thế Tôn, đặc biệt là trong những lúc thân thể đức Phật có bệnh và những năm đức Phật cao tuổi mà bước chân không ngừng du hóa bốn phương.
Là một thị giả của đức Phật và là một người uyên bác, có trí nhớ siêu phàm, ngoại hình khôi ngô tuấn tú, được rất nhiều người, đặc biệt là phái nữ ái mộ, song Tôn giả A Nam đã không lấy điều đó làm kiêu hãnh, Ngài luôn khiêm cung, sống phạm hạnh và tận tụy với đức Phật trong vai trò của một thị giả. Câu chuyện cô gái Pakati của dòng họ Matànga (Ma Ðăng Già) và nhiều chi tiết sinh động được ghi lại trong kinh điển đã nói lên điều đó.
Tuy là một người rất mực thông minh, nhạy cảm và có một trí nhớ chính xác, mạnh lạc như thế, nhưng tôn giả A Nan chưa phải là một vị A la hán – bậc đã hoàn toàn giải thoát, nên khi nghe đức Phật cho biết chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ nhập diệt, Tôn giả buồn đau vô cùng. Ký ức về những ngày tháng theo sát bên đức Phật, những hành động, cử chỉ đầy tình thương yêu vô biên và những lời dạy đầy trí tuệ của Ngài cứ tuôn chảy về trong Tôn giả. Nghĩ về một mai đây sẽ không còn Phật nữa, Tôn giả A Nan đã ra ngoài và bật khóc thành tiếng. Ðức Phật nhận biết điều này, Ngài gọi A Nan lại và ân cần, bảo:
“Không nên than khóc, này Ananda, không nên phiền muộn; Như Lai đã từng dạy rằng mọi kết hợp đều phải chấm dứt bằng sự biệt ly. Hiện hữu là vô thường, luôn biến dịch. Ðã từ lâu, con đã tận tình hầu cận Như Lai với tâm quý mến kỉnh mộ, con hãy nỗ lực tu tập để thành tựu quả vị A la hán – quả Thánh tối thượng” (Anguttara Nikàya – Tăng Chi).
Ba tháng sau khi đức Phật nhập diệt, vào đêm trước Ðại hội kết tập kinh điển lần thứ I gồm 500 vị A la hán do Tôn giả trưởng lão Ðại Ca Diếp (Maha Kasyapa) chủ tọa, với nỗ lực thiền quán vượt bực, Tôn giả đã chứng đắc A la hán và được tham dự Ðại hội, phụ trách trùng tuyên kinh tạng. Mở đầu của mỗi kinh, Tôn giả A Nan đã lặp lại lời “Như vậy tôi nghe…” (Như thị ngã văn), mà mỗi khi tiếp xúc với kinh điển, chúng ta đều gặp.
Theo truyền thuyết, Tôn giả A Nan sống đến một trăm hai mươi tuổi. Tôn giả A Nan là một vị để tử lớn đồng thời là một thị giả rất tận tụy với đức Phật. Ngài được đức Phật ngợi khen là người có học thức uyên thâm; có trí nhớ trung thực và bền lâu; tác phong cao quý và trí tuện nhạy bén; ý chí kiên định và là người luôn chuyên chú, cần mẫn đối với công việc cũng như đời sống tu tập (Anguttara Nikàya – Tăng Chi). Hình ảnh Tôn giả A Nan là một hình ảnh thật đẹp và là một tấm gương sáng để cho mỗi người con Phật noi theo.
Thích Tâm Hải