Một thời sau khi Phật nhập Niết-bàn không bao lâu, có một số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão du hóa tại Bệ-xá-li, ở bên dòng sông Di Hầu, tại ngôi lầu cao.
Bấy giờ Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như sau: Đãi ăn cho những khách từ phương xa đến, đãi ăn cho các hành khách, các bệnh nhân và các người nuôi bệnh; thường dọn cháo, thường dọn cơm, cung cấp cho người trông nom tăng viện; thường mời đại chúng gồm hai mươi vị Tỳ-kheo đến thọ thực, cứ mỗi năm ngày đều có mời chúng Tỳ-kheo đến ăn. Ông tổ chức đại bố thí như vậy. Trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất.
Số đông Tỳ-kheo thượng tôn trưởng lão nghe Trưởng giả Úc-già tổ chức đại bố thí như thế rồi bàn luận với nhau rằng:
– Này chư Hiền, vị nào có thể đến nói với với Trưởng giả Úc-già rằng: ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’?
Rồi các vị ấy nghĩ như vầy: Tôn giả A-nan là thị giả của Phật, nhận được sự chỉ giáo của Đức Thế Tôn; được Phật và các vị đồng phạm hạnh có trí khen ngợi. Tôn giả A-nan có thể đến nói với Trưởng giả Úc-già rằng: ‘Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết’.
…
Rồi Tôn giả A-nan khoác y, cầm bát đi đến nhà Trưởng giả Úc-già… (truyền đạt lời của chúng Tăng, nghe xong Trưởng giả Úc-già thưa).
– Bạch Tôn giả A-nan, nếu con có thí xả như thế, có huệ thí như thế, dù cho tất cả tài vật đều khô cạn, cũng chỉ làm cho con mãn nguyện thôi. Bạch Tôn giả A-nan, con có pháp ấy.
Tôn giả A-nan khen rằng:
– Này Trưởng giả, nếu có pháp ấy thì thật là kỳ diệu, thật là hy hữu”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Vị tằng hữu pháp, kinh Úc-già trưởng giả [II], số 39 [trích, lược])
Chúng ta thường nghe chư Tăng khen ngợi, khuyến khích tín đồ Phật tử tu hạnh bố thí. Cho đi hay thí xả càng nhiều thì phước báo càng lớn. Bố thí với tuệ là một trong những cách đầu tư thông minh vào tương lai. Nhưng ở pháp thoại này lại khác, chính chư Tăng khuyến cáo “Này Trưởng giả, nên thôi, chớ bố thí nữa. Sau này Trưởng giả sẽ tự biết”.
Sở dĩ chư Tăng phải nhắc chừng thí chủ vì nếu thí xả hết tài sản, nếu rủi thời gặp lúc kinh tế khó khăn bất thường ngoài dự liệu (thiên tai, dịch bệnh, ở đây là rủi ro vì tàu hàng bị chìm) sẽ có nguy cơ dẫn đến túng quẫn, phá sản. Vì thế Đức Phật thường dạy nên bố thí một phần tài sản để tích phước, còn nhiều việc quan trọng khác cần phải chi tiêu, không nên thí xả đến hết sạch.
Mặt khác, bố thí trong Phật giáo cần đi liền với tuệ, thấy biết rõ ràng những nhân duyên lợi ích liên quan đến việc lành thí xả đang làm. Các biểu hiện như vay mượn để bố thí, vì hư danh mà gắng sức bố thí, thí xả mà gia đình lục đục bất đồng, đưa đến khó khăn… là không hợp với tuệ, là không nên.
Riêng Trưởng giả Úc-già trong pháp thoại này thì khác. Ông biết rất rõ và vô cùng hoan hỷ với pháp bố thí, ông cũng hiểu lòng thương tưởng của chư Tăng lo lắng cho ông. Ngay lúc này đây, khi Trưởng giả Úc-già đang gặp rủi ro lớn trong làm ăn, tàu hàng vừa về bến thì bị chìm, số tài sản lớn bị mất trắng, buộc ông phải cân nhắc và điều chỉnh việc bố thí rộng rãi. Cuối cùng ông vẫn quyết tâm bố thí rộng lớn.
Vì sao Trưởng giả Úc-già không lo lắng trước nguy cơ “tất cả tài vật đều khô cạn”? Bởi buông xả rốt ráo là tâm nguyện của ông. Nếu bố thí đến hết sạch tài sản thì đó chính là tâm nguyện, một sự mãn nguyện. Một người bình thường tu hạnh bố thí rất khó đạt đến cái tâm và cái tầm này. Phải thông suốt về vô thường, phải thấu triệt vô ngã đến độ không thấy bất cứ thứ gì là ‘tôi và của tôi” mới không chấp thủ, thong dong đến vậy.
Quảng Tánh/Báo Giác Ngộ