Đức Phật dạy về nhân quả thật rõ ràng. Ai gây nhân tạo mười loại nghiệp bất thiện thì chịu quả đi đến ác xứ, không thể đổi khác được.
“Một thời Phật du hóa tại Na-lan-đà, ở xóm Tường, rừng Nại. Bấy giờ A-tư-la thiên có người con là Già-di-ni, sắc tướng uy nghi, chói sáng rực rỡ, lúc đêm gần về sáng, đi đến nơi Đức Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi sang một bên. Già-di-ni, con trời A-tư-la bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn, các người Phạm chí cao ngạo tự cho ngang bằng trời. Họ cho rằng, nếu có chúng sanh nào mạng chung, họ có thể làm cho tự do qua lại các thiện xứ, sanh lên cõi trời. Thế Tôn là Pháp chủ, mong Thế Tôn làm cho chúng sanh khi mạng chung đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời.
Thế Tôn bảo rằng:
– Này Già-di-ni, nay Ta hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Già-di-ni, ý ông nghĩ thế nào? Nếu ở trong thôn ấp, hoặc có kẻ nam, người nữ biếng nhác, không tinh tấn, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện, là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến. Người ấy khi mạng chung, nếu có số đông người đến, thảy đều chắp tay hướng về người đó kêu gọi, van lơn, nói như thế này: ‘Các người, nam hoặc nữ, biếng nhác, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm nói dối, cho đến tà kiến. Các người nhân việc này, duyên việc này, khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời’. Như vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ biếng nhác kia, không siêng năng, lại hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến; có thể nào vì được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc ấy, duyên việc ấy mà lúc thân hoại mạng chung lại được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời không?
Già-di-ni thưa rằng: Không thể được, bạch Thế Tôn! …
– Này Già-di-ni, cũng như cách thôn không bao xa, có vực nước sâu, nơi đó có một người ôm tảng đá lớn và nặng ném vào trong nước. Nếu có số đông người đến đều chắp tay hướng về tảng đá mà kêu gọi van lơn, nói như thế này: ‘Mong tảng đá nổi lên, mong tảng đá nổi lên’. Này Già-di-ni, ông nghĩ thế nào? Tảng đá lớn nặng ấy có thể nào vì được số đông người đến đều chắp tay hướng về nó và kêu gọi van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà sẽ nổi lên không?
Già-di-ni trả lời rằng: Không thể được, bạch Thế Tôn!
– Cũng vậy, này Già-di-ni, những người nam hay nữ kia biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến tà kiến, nếu được số đông người đều đến chắp tay hướng về chúng mà kêu gọi, van lơn, nhân việc đó, duyên việc đó mà lúc thân hoại mạng chung, được đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời; điều đó không thể có được. Vì sao thế? Bởi vì mười loại nghiệp đạo bất thiện này vốn đen, có quả báo đen, tự nhiên đi thẳng xuống, chắc chắn đi đến ác xứ”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Nghiệp tương ưng, kinh Già-di-ni, số 17 [trích])
Đức Phật dạy về nhân quả thật rõ ràng. Ai gây nhân tạo mười loại nghiệp bất thiện thì chịu quả đi đến ác xứ, không thể đổi khác được. Nghiệp xấu do chúng ta tạo ra rồi tự chiêu cảm lấy quả khổ, không ai có thể cứu vớt hoặc xoay chuyển làm cho tốt lên được.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, cầu nguyện, kêu gọi, van lơn không thể làm cho nhân xấu trở thành quả tốt. Trường hợp này, thân nhân chỉ còn cách làm những điều phước thiện rồi hồi hướng cho người thân đọa nơi ác xứ hay mượn tiếng kệ lời kinh khai thị cho họ thức tỉnh, biết sám hối lỗi lầm, chuyển hóa dần ác nghiệp để từng bước đi lên.
Tạo nghiệp ác rồi bị đọa lạc nơi cảnh khổ hay biết sám hối phục thiện và chuyển hóa ác nghiệp để vươn lên đều vận hành theo nhân quả, do sự tạo tác thiện nghiệp hay ác nghiệp của mỗi người.