Là con người, chúng ta sống trong đời này đều trải qua nhiều giai đoạn với niềm vui lẫn nỗi buồn. Đối với người tu, điều quan trọng là cần nên nhận diện những cảm xúc đó là giả tạm. Chúng ta làm thế nào hiểu được mọi sự việc một cách thấu đáo để không rơi vào ngộ nhận, thậm chí là mê tín sai lầm.
Không tỉnh giác, dễ rơi vào mê tín
Một thống kê cho biết số ít những người có tri thức, hiểu rõ khoa học kỹ thuật, có kiến thức văn hóa thì không bị những sự kiện và những ý tưởng mê tín tác động chi phối. Tâm lý con người nếu không kiên định thì rất dễ bị một số chuyện hoang đường lôi cuốn, làm cho họ tin đó là thật rồi làm theo dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau. Nếu người nào thật học, thật tu và hiểu đúng giáo pháp của Đức Phật thì sẽ vượt qua mê tín một cách dễ dàng.
Nội dung các điều mê tín là không thật, là huyễn hoặc nhưng trong một mức độ nào đó lại tạo sự thích thú, gây cảm giác tò mò, đôi khi tạo nên niềm vui cho một số người. Vì vậy, chúng sanh phàm phu rất dễ bị những điều mê tín tác động. Trong mối tương quan của cuộc sống, đôi khi chúng ta nghe những câu chuyện, dẫu biết được thêu dệt hay hơi cường điệu nhưng vẫn có sự thích thú, bị cuốn hút vào. Chuyện mê tín là những chuyện quàng xiên, phù phiếm nhằm làm cho một số người không có kiến thức về khoa học, không thấu hiểu về nhân quả tội phước, không có điều kiện tiếp xúc với thông tin đầy đủ dễ tin theo, rồi cho đó là việc thật. Hậu quả của người mê tín là tin một cách mù quáng, rơi vào tà kiến. Từ đó, phiền não sanh khởi khiến bản thân đánh mất sự bình an, lúc nào tâm cũng lo nghĩ những chuyện không đâu vào đâu, sanh ra sợ hãi, buồn rầu, chán nản…
Ai có dịp thăm Tây Ninh đến núi Bà hay các địa danh khác như Châu Đốc, Hà Tiên…, khi đi lên lưng chừng núi thường gặp tấm vải đỏ buộc quanh tảng đá hay cái miễu hoang, thấy cảnh nhiều người đứng lại khấn vái vì tin theo dư luận đồn miệng là “ông tà, tảng đá, cái miễu, cái cây… đó linh lắm”! Một số người không có cơ hội tìm hiểu cặn kẽ, thiếu kiến thức tổng quát về các hiện tượng thiên nhiên thì họ cũng vội tin những chuyện được cho là “linh” trên. Cứ vào mỗi mùa thi, con em trong nhiều gia đình phải miệt mài học để vượt qua các mốc thi cử. Là cha mẹ lẽ ra phải biết con mình học yếu môn nào để tìm cách giúp con mình, hoặc mời thầy cô bồi dưỡng trước kỳ thi chứ không phải tìm đến các nơi… hay miễu nào được cho là “thiêng” để cầu khấn mong rằng nhờ đó mà con cái của mình được “phò hộ” thi đậu. Đó là một trong muôn chuyện mê tín hiện nay.
Hàng ngày, quý Phật tử buôn bán thì tìm hàng hóa tốt, vải đẹp bền, trái cây tươi ngon, thức ăn bổ dưỡng…, nếu chúng ta bán hàng không tốt, kém chất lượng, mất vệ sinh thì sau này khách sẽ không ghé đến nữa. Trong khi đó, có người lại không nhận ra những kém khuyết trong việc mua bán để khắc phục mà suốt ngày thắp nhang khấn vái cầu xin ông này bà kia phù hộ để được mua may bán đắt. Đó là niềm tin mù quáng, thiếu cơ sở khoa học. Sự cầu xin vô lý như thế thì làm sao có kết quả như mình mong muốn được.
Là đệ tử Phật, ta phải đặt niềm tin trọng tâm ở Phật, Pháp, Tăng và nỗ lực học để hiểu những lời Phật dạy trong ba tạng thánh điển. Người tu phải có chánh kiến, tin rõ nhân quả nghiệp báo trong đời. Khi đó, chúng ta sẽ nhìn đời bằng con mắt trí tuệ, biết phân định chánh tà, trắng đen, tốt xấu; giải thích được những hiện tượng tự nhiên mà người đời quan niệm rằng linh thiêng mầu nhiệm. Tại sao có trường hợp học trò học giỏi nhưng lại thi rớt? Ông bà ngày xưa thường nói học tài thi phận. Ắt hẳn lúc thi, do một nhân duyên gì đó, chẳng hạn chủ quan đọc đề không kỹ làm sai yêu cầu nên không đủ điểm đậu, hoặc sức khỏe cũng như tâm lý không ổn định… Trường hợp đó có xác suất rất nhỏ, thường thì trăm chỉ có một. Học giỏi thì đậu, học yếu thì thi rớt là lẽ đương nhiên. Người buôn bán chân thật, hàng tốt hay xấu thì nói đúng như vậy. Người mua hàng sau khi sử dụng thấy chất lượng bền đẹp, giá cả phải chăng thì họ sẽ tìm mua và giới thiệu đến bạn bè của họ nữa, tiếng thơm đồn xa…
Thông thường, các Phật tử buổi sáng hay thắp hương, lễ Phật, tụng kinh. Nên biết rằng, khi chúng ta thực hiện những việc làm này với tâm thành kính thì được sanh phước lành, còn việc cầu xin thiếu cơ sở, trái với quy luật nhân – duyên – quả thì không bao giờ Đức Phật hay chư Bồ-tát chứng minh hay gia hộ cho việc ấy. Cầu xin với tâm bất thiện, lợi mình hại người… thì làm sao đạt được điều mong cầu!
Thế nên khi chưa biết tu, thường ta dễ bị rơi vào mê tín, tà kiến. Một số người quanh năm không biết tu tạo phước lành nhưng Tết, hay rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười thì đi chùa với mục đích để khấn vái cầu xin cho ước nguyện của mình được sớm thành tựu là điều không thể có kết quả tốt đẹp được. Người Phật tử cần nhận thức rằng tấm lòng thành kính dâng lên Đức Phật là điều chính đáng, còn sự van vái để được những điều lợi lạc cho mình là điều không phù hợp với chánh tín của đạo Phật.
Hàng ngày, chúng ta không lo tích đức tu nhân mà khi gặp việc thì cầu vái để hưởng được những điều tốt đẹp là đã rơi vào mê tín. Đạo Phật dạy chúng ta chánh tín, chánh kiến với niềm tin rằng sống tốt ta sẽ có quả tốt. Nhân duyên làm cho ta vượt qua mê tín là do sự khéo học khéo tu. Nếu chúng ta chưa học thấu đáo được giáo lý Đức Phật, lại bị tâm tham chi phối, thì lúc nào ta cũng luôn luôn mong cầu những điều may mắn trong khi ta kém phước. Phước đức ta không biết tích tụ nhưng lại dựa dẫm, chỉ biết mong cầu khấn nguyện nơi thần thánh để được lợi là mê tín dị đoan. Điều đó cũng như tu thì ít mà lại muốn hưởng phước nhiều, làm ít nhưng muốn quả nhiều vượt quá sức là điều không thể có.
Trong đời sống, nhiều người khi mua xe, điện thoại… đều chọn biển số đẹp, dãy số may mắn. Có thực là có con số đẹp hay xấu theo quan niệm đó hay không? Có người vô tâm mua xe không chọn số, họ chạy xe đến mòn, vẫn không hư. Người thì chọn số tốt nhưng đi không bao lâu thì xe hỏng. Theo thế gian, người sanh ra vào ngày này được cho là không tốt – ví như mùng 5, 14, hay 23, nhưng họ lại sống lâu; còn những người dù sanh vào ngày được cho là tốt nhưng lại chết yểu. Thế thì, ngày nào là ngày tốt, ngày nào là ngày xấu? Trong kinh Tăng chi, ở phẩm Cát tường, thuật lại rằng, một thời Đức Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Ngài gọi các Tỷ-kheo và dạy rằng:
“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp”.
“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp”.
“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp”.
Một ngày tốt đẹp là như thế. Một cuộc đời tốt đẹp được tích lũy từ những buổi, những ngày, những tháng và những năm tốt đẹp như vậy. Tích lũy những việc làm nhỏ thành thói quen. Người có thói quen tốt, có suy nghĩ, lời nói và hành vi thiện lành, đem lại lợi lạc cho tự thân và cho người khác luôn là người được xã hội trân quý. Còn ngược lại, nếu chỉ vì lợi ích của cá nhân, của nhóm nhỏ mà bất chấp tất cả, có thể làm cho một số người, hoặc nhiều người sợ hãi trong một thời gian ngắn, nhưng sẽ không được lòng người, khiến người xa lánh về dài lâu. Việc tốt xấu không có ngày giờ, xấu tốt là do hành động, lời nói, ý nghĩ nơi tự thân của ta; do chúng ta đặt cho nó tên gọi mà thôi. Quan trọng hơn hết, người đệ tử Phật cần hiểu rằng tất cả những việc tốt xấu đều do nhân duyên, nghiệp quả mà mình đã gieo tạo trong kiếp hiện tại và những kiếp quá khứ, nay hội đủ yếu tố thì chúng trổ quả.
Hàng ngày chúng ta được nghe các bài giảng từ những vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni truyền đạt, hãy ghi nhận và nhớ cho rõ ràng. Khi chúng ta có kiến thức tổng quát về văn hóa, khoa học, kinh tế, xã hội, thiên nhiên thì mọi biến động trong trời đất không làm ta sợ hãi vì chúng ta biết mọi việc đều có nhân duyên tụ tán ẩn tàng trong đó. Cách đây mười năm Hòa thượng Thích Trí Quảng an vị Phật ở núi Thị Vải. Hòa thượng chỉ định chúng tôi thuyết bài pháp và nói xem đến năm 2000 có việc gì xảy ra không? Sau đó, mọi việc yên lành nhưng người ta vẫn không dừng sự hoang tưởng. Họ lại tiên đoán năm 2012 hay 2013 hay năm 2043 sẽ tận thế? Người nào hay lo lắng, hay suy diễn vô căn cứ thì ngày đêm không lúc nào yên tâm. Hãy giữ tâm an định, khi nào nhân quả trên quả đất và nhân quả của chúng sanh đến thời kỳ hoại diệt thì mới thật sự kết thúc. Nếu không lúc nào cũng nghe đồn thổi rồi sanh tâm lo sợ, rơi vào mê tín dị đoan lúc nào không hay.
Đức Phật dạy rõ con người có sanh già bệnh chết, quả đất có thành trụ hoại không. Quả đất sẽ hoại khi nào? Trước tiên là hiện tượng đất nước lửa gió, kế đến cỏ cây nhiều, thú người ít, nhà cửa ít. Dần dần quả đất tăng trưởng cây cỏ nhiều, người thú ít. Kế tiếp lại tăng trưởng cây cỏ thú nhiều, người ít. Quả đất lại tăng trưởng dần lên, cây cỏ và thú giảm xuống, con người tăng lên nhiều. Đến một ngày con người trên mặt đất không còn chỗ sống nữa nên chọn cây cỏ núi rừng để tìm chỗ sống, cây cỏ và thú rừng đều bị diệt, thú rừng quý hiếm cũng dần dần biến mất.
Chúng ta thấy thiên tai như hạn hán, bão lụt, núi lửa, động đất… ngày càng xảy ra nhiều hơn, dày đặc hơn và giờ đây chúng ta có thể tin rằng quả đất đang già đi như tuổi già của đời người. Trên thế giới này, ở đâu cũng vậy, khi con người thiếu sự sống thì lại xâm phạm vùng sống của cỏ cây núi rừng. Vì vậy, hiện nay người ta đang kêu gọi giữ gìn môi trường môi sinh – trồng rừng và phải biết giữ gìn môi trường sống, bảo vệ các loài thú quý hiếm, đề cao du lịch sinh thái, đưa nội dung này vào trường học, để mọi người nhận thức rằng đừng vì sự sống mà phá hủy thiên nhiên.
Chúng ta hiểu trái đất đang trong giai đoạn hoại vì nhiều triệu năm rồi giống như con người trong giai đoạn già lão. Dân số quá đông nên môi sinh môi trường bị tác động mạnh. Ngày nay, ở nhiều quốc gia phát triển người ta đang kêu gọi ăn chay để gìn giữ môi trường sống cho tốt hơn. Chúng ta là đệ tử Phật ngoài việc biết ăn chay còn giữ được tâm tính hiền lành, thuần thục để không tàn phá môi trường quanh ta từ vật chất đến tinh thần. Đây là sự khác biệt của người đệ tử Phật. Mê tín là vì chưa hiểu về bản chất của cuộc sống, quy luật của xã hội, về sự quan trọng của thiên nhiên. Khi chúng ta biết rằng mọi việc có quy luật tiến hóa và sanh diệt thì sẽ ta vượt qua mê tín. Đặc biệt là chúng ta phải tự soi sáng cuộc sống của chính thân tâm mình. Hiểu rõ như vậy, ta sẽ vững vàng trước những biến động của cuộc sống, không lo sợ, run rẩy khi nghe một việc gì vì ta biết quy luật, nhân duyên và quả nghiệp của sự việc đó.
Thế kỷ XXI được xem là thế kỷ của văn minh và khoa học. Con người cần nên sống bằng tri thức hiểu biết, gắn kết với đời sống thân tâm. Đây gọi là nếp sống văn minh tâm linh. Rơi vào mê tín là vì con người thiếu kiến thức về sự sống trong đời. Người tu mà sự tu tập còn yếu kém. Kể cả những người có duyên lành xuất gia nhưng lại thiếu sự học hỏi và tu hành không vững vàng thì cũng có thể rơi vào tà kiến. Có bệnh thì nên hiểu rằng bệnh do nguyên nhân nào và lo chữa bệnh chứ không phải van vái suông để mong cầu hết bệnh là điều không tưởng.
Khi xác lập được niềm tin trên nền tảng chánh tín, chánh kiến thì ta phải lưu tâm học thật kỹ biết thật rõ, lúc ấy kiến thức sẽ hỗ trợ cho việc tu tập của ta. Ví như, ở quê mới lên thành phố, lần đầu tiên băng qua đường rất sợ nhưng sau thời gian hiểu rõ luật đi đường, thì sẽ bình tĩnh và hết những lo lắng ban đầu. Người tu cũng vậy, khi chưa thông hiểu giáo lý nhân quả và quy luật sống thì sợ hãi, âu lo dễ phát sanh. Khi sợ hãi và âu lo thì dễ tin vào lời nói của người khác; nếu không sợ hãi, ít âu lo sẽ không tin vào những điều không hợp lý. Mọi sự bắt đầu từ tâm thức. Tâm thức sáng suốt sẽ không bị mê mờ và chắc chắn không ai có thể lừa gạt chúng ta được.
Nhà thiền nhắc hành giả phải tự làm sáng tỏ tâm tánh của mình. Công án: “Ông chủ” – Dạ . “Ông chủ” – Dạ … nhiều lần như vậy. “Hãy ráng tỉnh táo nha, coi chừng mai kia mốt nọ bị người khác gạt đấy”. Tuy thế, đôi khi ta bị người ngoài gạt nhưng cũng có lúc chính ta lại dối gạt ta. Người tại gia lẫn xuất gia, từ mê mờ đến tỉnh thức đôi phen cũng lao đao lận đận. Phải vượt qua những pháp trần bên ngoài và ngay cả chính tâm thức của ta mới đạt được chánh kiến. Nhờ chánh kiến, tức là sự thấy biết chơn chánh nên chúng ta không e ngại những ngày giờ được cho là xấu, tốt; ngày giờ nào cũng có khả năng là tốt và cũng có thể là xấu tùy theo hành vi, lời nói và suy nghĩ của chính mình. Ví như, ta bảo ngày mùng 1 hay rằm là ngày tốt nhưng chúng ta làm điều xấu trong hai ngày ấy thì vẫn chịu quả báo xấu như thường. Nhân quả ngay thân, trong hành động, lời nói và tâm niệm của mỗi người. Hiểu rõ thế, ta mới phá vỡ được mê mờ trong tâm thức. Điều căn bản là phải học hỏi giáo lý thật vững vàng, thật thẩm thấu vào trong nhận thức để khi gặp ai nói điều gì mê tín thì ta có đủ lý, đủ lời lẽ, đủ dẫn chứng nơi pháp Phật để trình bày cho mọi người cùng hiểu. Đây cũng là trách nhiệm của người con Phật.
Giáo lý Tứ diệu đế
Khổ đế là việc hiện hữu; Tập đế là nhân tạo ra quả của Khổ đế. Nhân của Đạo đế là Bát Chánh đạo; quả là Diệt đế tức Niết-bàn.
Nhiều đời nhiều kiếp ta đã tạo điều xấu quấy ác nên mới thọ thân này. Thân này chính là nghiệp quả huân tập của nhiều kiếp. Khi đã biết tu thì ai làm ác là việc của họ, ta nhất định không làm từ thân khẩu ý. Ví dụ, gặp người nói lời thô ác, nói xấu thì ta cũng không phản ứng, mà chỉ thấy cảm thương và không giận họ. Thương vì họ đã vô tình gieo khẩu nghiệp. Có thể họ chưa hiểu chuyện nên đã nghĩ không tốt về ta, hoặc ta có những điều chưa thật tốt khiến họ phiền lòng. Người biết tu rồi thì không nghĩ quấy cho ai cả, chỉ có người mình thương và chưa thương, chứ không có kẻ thù.
Trong Tứ đế phạm trù thứ nhất về nhân quả, ta phải cố gắng học thật kỹ, gạn lọc nhiễm ô để xóa bỏ những nhân quả của Khổ đế và Tập đế. Tùy theo sự tu tập tinh cần hay giải đãi, nghe kinh học pháp lâu hay mau mà các Phật tử thẩm thấu lời Phật dạy trong kinh nhiều hay ít. Đức Phật dạy ta phải tu tập nhân của Đạo đế, đó là Bát Chánh đạo gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đây chính là tám con đường chân chánh để tu tập dứt trừ mê vọng, các pháp bất thiện trong đời.
Thực hành Bát Chánh đạo giúp ta không còn mê tín, thấy rõ các pháp trong đời là do duyên sanh giả hợp: Chánh kiến – thấy biết chơn chánh, Chánh tư duy – suy nghĩ chân chánh. Bên cạnh đó, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng… giúp cho ta kiểm soát lời nói, hành động, giữ nếp nuôi mạng sống một cách chơn chánh. Kiểm soát thân khẩu ý trong sạch, ta sẽ dừng lại những tập khí nhiều đời nhiều kiếp, không làm tổn thương, không gây đau khổ cho mình và người khác. Thực hành được điều này một ngày, một tuần, một tháng, một năm… rồi cả một đời thì tâm tánh chúng ta sẽ thuần thiện, nghiệp thức vô minh, tâm vọng động không còn. Lúc đó, những mê vọng trong đời không thể lôi kéo, không còn sự hấp dẫn với ta nữa. Và khi tái sinh trong đời sau chúng ta không phải chịu lãnh quả khổ sở.
Kiếp trước vì vô minh nên ta gieo trồng một vườn nghiệp lực. Hôm nay thức tỉnh, ta dọn sạch khu vườn nghiệp thức ấy và thay thế bằng hạt giống từ bi, trí tuệ, sự tỉnh thức, sự nghiêm trì thực hành mười điều thiện… Mỗi khi chúng ta tin sâu nhân quả thì không có gì phải lo sợ điều gì. Ngay cả cái chết hiện diện trước mặt ta cũng không sợ hãi vì biết rằng thân này do duyên tứ đại hợp lại mà thành, hết duyên thì tan rã. Hiểu vậy nên ta không buồn phiền, không cưỡng cầu mà sẵn lòng đón nhận. Nhân của Đạo đế là Bát Chánh đạo, quả của Diệt đế tức Niết-bàn. Đó là trạng thái tâm an lạc giải thoát sau khi đã diệt trừ vô minh, phiền não tham sân si.
Giáo lý nhân quả
Luật nhân quả luôn công bằng. Không có cái gì xảy ra với chúng ta do “may mắn” hay “rủi ro” ngẫu nhiên. Nói theo một châm ngôn Phật giáo “Không có cái gì (quả) có thể xảy ra với chúng ta nếu nơi chúng ta không có mầm mống (nhân) cho cái đó”. Mỗi người là kẻ thừa kế duy nhất những hành động mà mình đã làm. Kinh Trung bộ I, Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
Ai gây bất thiện cho người
Gây rồi bứt rứt, đứng ngồi bất an!
Ăn năn hối hận kêu than
Tương lai quả báo vô vàn đớn đau! (KPC. 67)
Người tạo thiện nghiệp dài lâu
Làm rồi thanh thản ra vào hân hoan
Ngày ngày hỷ lạc nhẹ nhàng
Biết mình thọ hưởng bình an quả lành. (KPC. 68)
Không tin nhân quả, không tin có đời trước đời sau, người ấy sẽ rơi vào đoạn kiến, hư vô. Và đây là cái xấu ác lớn nhất, Đức Phật dạy:
Những ai phạm đạo nhất thừa
Thích nói vọng ngữ, móc mưa chánh tà
Đời sau tham đắm phù hoa
Nhân ác trổ quả, hóa ra não phiền. (KPC.176)
Thiền sư Ajahn Chah trong quyển “Chỉ là một cội cây” đã viết rằng: “Khi mặc áo quần dơ hay cơ thể dơ, tâm ta cũng bị ảnh hưởng và cảm thấy bực bội khó chịu. Nếu giữ cơ thể và áo quần sạch sẽ gọn gàng thì tâm cũng nhẹ nhàng dễ chịu. Cũng vậy, khi giới luật không được gìn giữ, hành động và lời nói dơ bẩn thì tâm cũng bất an, tinh thần xuống thấp và nặng nề. Nếu không tu hành đàng hoàng thì không thể nhận chân và thấm nhuần phần tinh túy của giáo pháp đang nội tại trong tâm”.
Việc giữ giới giúp người tu tránh khỏi bị các quả xấu trói buộc. Giữ giới luật, nghĩa là hành động theo định luật nhân quả, không dại gì gây nhân xấu để rồi phải chịu quả xấu. Sự chọn lựa giữa nhân xấu cho quả xấu và nhân tốt cho quả tốt, đó là sự tự do nơi mỗi người. Chính từ sự lựa chọn này, chúng ta thoát khỏi luật nhân quả (thoát khỏi quả xấu của luật nhân quả) và tập bước dần trên con đường của tự do.
Ông bà ta thường nói “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Không bao giờ trồng quả ớt hiểm ra quả ớt sừng trâu, trồng bưởi da xanh mà thành bưởi năm roi. Người Phật tử cần phải có niềm tin chắn chắn là không bao giờ cả đời ta tu tập tốt mà gặp quả xấu. Tuy nhiên, phải hiểu thêm là đời này ta biết tu nhưng đôi khi chúng ta gặp những quả xấu là quả của kiếp trước hay lúc ta chưa biết tu. Đời này ta mang sắc thân đẹp – xấu, cao – thấp, mập – ốm… là quả của nhân nhiều đời trước. Hiện tại ta đang tu là đang gieo nhân để gặt quả ở đời sau. Chúng ta phân định được điều này thì khi gặp quả khổ sẽ không buồn phiền, sợ hãi.
Giáo lý Tứ đế và Nhân quả là nền tảng vững chắc để giúp chúng ta phá vỡ và vượt qua những điều mê tín dị đoan. Một số Phật tử tri thức, nếu có điều kiện hãy nghiên cứu thêm về vũ trụ quan và nhân sinh quan của Phật giáo để chúng ta hiểu thêm về sự chuyển dịch của thiên nhiên, về vũ trụ, về quả đất và về sự có mặt của con người.
Nhân đây, chúng tôi xin giới thiệu đến các Phật tử một số bài kệ trong kinh Pháp cú liên quan đến giáo lý Nhân quả – Nghiệp báo (mà nhà sư có duyên đã chuyển thành thơ lục bát). Trong phẩm Song yếu có những câu sau:
Xưa nay các pháp trong đời
Tâm làm chủ, tâm gọi mời mà nên
Ngày ngày ác hạnh triền miên
Nói năng, hành động dính liền nhiễm ô
Như bánh xe theo chân bò
Nghiệp khổ cũng thế, hẹn hò cùng tâm. (KPC. 1)
Xưa nay các pháp trong đời
Tâm làm chủ, tâm gọi mời mà nên
Ngày ngày thân tâm tịnh yên
Nói năng, hành động, ý hiền thiện nhân
Như hình với bóng keo sơn
Phước lạc cũng thế, theo chân quả lành. (KPC. 2)
Nghiệp do con người tạo tác. Vì vậy, cùng là một con người nhưng hai giai đoạn cuộc đời khác nhau. Khi chưa biết tu chúng ta rất dễ tạo nghiệp ác, nhưng khi đã thức tỉnh giác ngộ rồi thì dừng lại những nghiệp bất thiện ấy mà tu tạo nhiều thiện sự để bù đắp những lầm lỗi trước đó.
Khi mới tu tập chúng ta thường hay gặp những điều khổ nạn tai ương. Có người vì thế sanh tâm hoang mang lo sợ, cho rằng mình bị “đổ nghiệp”. Nếu vậy đó là người chưa thật sự hiểu đạo, còn bị mê mờ bởi những giả thuyết, suy luận không có cơ sở theo đúng sự thật. Vì nghiệp tham sân si nhiều đời kiếp mà ta gieo trồng nay hội đủ duyên chín muồi chúng trổ thành quả. Do vậy, ta phải càng nỗ lực tu tập để chuyển hóa những nghiệp nhân xấu quấy ấy, chuyển hóa “ác ma” ngay trong lòng mình. Tu tập tinh tấn thì dần dần tự thân sẽ hóa giải được nghiệp ác.
Trong quá trình tu học, nếu siêng năng tu tạo các phước lành nữa thì chẳng những trong hiện đời tâm được bình an, mà sau khi thân hoại mạng chung với nhân lành gieo trồng ấy ta sẽ tái sanh những cảnh giới an vui tốt đẹp hơn. Muốn được thân tướng trang nghiêm tốt đẹp, ta phải khéo tu tam nghiệp, cố gắng dọn thật sạch những cấu uế nơi thân tâm. Một khi tự tỉnh, tự giác, nhiếp phục được thân khẩu ý thì chúng ta đi đâu, ở đâu, làm gì, hay gặp chuyện khó khăn cũng không còn sợ hãi nữa.
Cũng trong kinh Pháp cú, phẩm Ác, Đức Phật dạy chúng ta hãy siêng năng làm các việc lành, kiểm soát tâm ý và từ bỏ giải đãi lười biếng mới không tạo những nghiệp bất thiện.
Việc lành, hãy gấp rút làm
Kiềm chế ý ác tâm phàm tội vương
Việc lành biếng nhác vô thường
Ý ác nảy nở nhiễu nhương nghiệp đời. (KPC. 116)
Hãy quyết tâm tu tập vì trong tâm thức của mỗi người còn ẩn chứa những phiền não nhiễm ô. Ví như, ta nhìn thấy rắn rít trong nhà nhưng không biết cách xua đuổi chúng thì một ngày không xa nó sẽ cắn mình.
Một khi lỡ làm ác rồi
Tự giác chớ để tăng đôi lỗi lầm
Việc ác cứ mãi cố làm
Nhân ác thọ khổ, quả sanh thêm hoài!
Người hiền thích tạo việc thiện, người ác thích làm việc xấu. Nên biết rằng, việc thiện ác dù nhỏ chừng bằng sợi lông, ngọn cỏ đều có kết quả của nó. Do vậy, phước nghiệp liên tục đến với người hiền. Trong khi, khổ đau luôn tìm đến những kẻ thích ưa thích làm điều ác.
Chớ khinh ác nhỏ không đâu
Chẳng đưa lại quả báo sầu cho ta!
Dòng thời gian trổ nụ hoa
Nhỏ giọt tích tụ hóa ra đầy bình
Người ngu sở dĩ khổ tình
Do hành động ác tự mình tạo ra. (KPC. 121)
Chớ khinh lành nhỏ bỏ qua
Chẳng đem quả báo vạn tòa cho ta!
Dòng thời gian trổ nụ hoa
Nhỏ giọt tích tụ hóa ra đầy bình
Người trí sở dĩ thông minh
Nhờ biết gom kết thiện lành dài lâu. (KPC. 122)
Nếu ta dùng dây trói buộc ai thì nhân quả sẽ có ngày ta bị buộc bởi người khác. Tất cả sự trói buộc hay giải thoát là do ta. Vì thế, hãy đem an vui đến cho người, đừng đem sầu khổ bất an đến cho ai dù đó là loài vật nhỏ… Khéo tu, hiểu nhân quả, giữ vững tâm định tĩnh thì không sợ hãi mà cầu vái muôn phương để cầu tìm sự tốt lành. Khi tâm thức đạt đến đỉnh cao, không thiên chấp vào “không, vô tướng, vô tác” thì không còn vái nguyện để mong cầu ích kỷ điều gì nữa.
Phẩm A-la-hán trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng nhờ khéo tu, bậc hiền trí an trú trong quả vị của bậc Thánh. Dự lưu vào dòng Thánh (Sơ quả) là chúng ta dứt hết mê lầm, không còn rơi vào tà kiến.
Người đã giải thoát phàm tâm
Giải thoát ràng buộc, âm thầm tiến tu
Tứ Thánh quả, hạnh đều nhu
Không còn sợ hãi vô ưu thanh lòng. (KPC. 90)
A-la-hán ý thường tươi
Lời nói, hành động thời thời lặng yên
Chánh trí, giải thoát tịch thiền
Thân tâm an tịnh, đức hiền tỏa hương. (KPC. 96)
Đây là phẩm hạnh của một người tu mà trình độ đã vượt lên trên, biết an trú trong một quả vị an lạc hạnh phúc nhờ thế tâm tánh điều nhu. Khi thân già bệnh yếu không hề sợ hãi, dẫu cuộc đời có thăng trầm cũng không lo lắng, vì biết đó là quy luật nhân quả trong nhiều đời và ngay trong đời này. Bỏ các nghiệp xấu quấy, quyết làm các điều thiện lành chính là tạo nền tảng tốt cho chính mình trong đời này và đời sau.
Mọi thay đổi trong cuộc sống, sự biến dịch của trời đất, của thiên nhiên, ngay cả thân tứ đại hay sự đổi thay của danh phận… đều có nhân, có duyên, có quả, có nghiệp chứ không phải tình cờ, ngẫu nhiên xảy đến với mình. Với nhận thức đó, chúng ta sẽ không rơi vào tâm tánh lo sợ; vì không lo sợ nên không việc gì phải cầu đảo mong chờ sự cứu rỗi từ đấng cứu thế, thần linh nào; và càng nỗ lực tu tập trau dồi nơi thân tâm chính mình ngày càng trở nên hiền đẹp hơn.
Trước thềm xuân mới, nhà sư cầu chúc quý Phật tử luôn được nhiều sức khỏe, tinh tấn, luôn vượt qua chính mình, vượt qua tâm thức còn chút mê tín trong cuộc sống, để vững vàng và an lạc hơn trong đời sống tu tập với niềm tin kiên cố vào Chánh pháp của Đức Phật.
HT.Thích Giác Toàn
(Bài giảng Khóa tu ‘Một ngày an lạc’ lần thứ 126
tại chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM, ngày 7-11-2010)